UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị các đề án, chính sách trình tại phiên họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII

20:10 - 12/06/2019

(TTV) - Ngày 12/6, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6, cho ý kiến đối với các dự thảo đề án, chính sách phát triển kinh tế xã hội chuẩn bị trình tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, phó bí Thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch HĐND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh, đại diện các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

 

Mở đầu phiên họp, UBND tỉnh đã giành nhiều thời gian nghe và cho ý kiến vào báo cáo Phương án đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2023. Theo đó, để thực hiện mục tiêu về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội, Sở Kế hoạch và đầu tư đề xuất danh mục các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên 4 dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước là: Dự án tuyến đường bộ ven biển, đoạn Nga Sơn, Hoằng hóa, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia;  Dự án đường giao thông từ TP Thanh Hóa đi cảng hàng không Thọ Xuân; Dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa và dự án di dân tái định cư xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia. Tổng huy động vốn để đầu tư các dự án là trên 15.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 13.000 tỷ đồng.

Ngoài dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi còn có các ý kiến khác nhau, 3 dự án còn lại được các đại biểu dự phiên họp thống nhất cao và đánh giá: việc đầu tư các dự án trên là rất cần thiết nhằm tạo sự kết nối về hạ tầng giao thông trong tỉnh, nâng cao năng lực vận tải của cảng Nghi Sơn, cảng hàng không Thọ Xuân, tạo thêm động lực và lợi thế mới cho sự phát triển của tỉnh.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: việc đầu tư các dự án sẽ tạo sự đột phá về phát triển hạ tầng, quyết định khả năng thu hút đầu tư và mở ra các cơ hội phát triển cho Thanh Hóa. Trong đó, Dự án đường ven biển sẽ kết nối các tỉnh ven biển, từ Quảng Ninh đến Nghệ An, kết nối các huyện, thành phố ven biển, tạo điều kiện phát triển du lịch dọc tuyến bờ biển của Thanh Hóa. Đối với dự án di dân xã Hải Hà, đây là dự án có liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng cảng Container, một dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để Nghi Sơn trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên bản đồ hàng hải quốc gia và quốc tế. Dự án đường giao thông từ TP Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân sẽ nâng cao năng lực cho cảng hàng không Thọ Xuân, đồng thời tạo quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp dọc tuyến. Riêng dự án mở rộng đại lộ Lê Lợi, tuy còn có ý kiến khác nhau, song xét trên các yêu cầu về chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, giảm ùn tắc, đồng bộ hóa trục giao thông từ thành phố Sầm Sơn đến sân bay Thọ Xuân nên việc đầu tư mở rộng tuyến đường này là cần thiết. UBND tỉnh thống nhất giao Sở Kế hoạch đầu tư xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng dự án, hoàn thiện phương án để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định tại kỳ họp tới.

Tại phiên họp, UBND tỉnh tiếp tục nghe và cho ý kiến vào dự thảo quy định về mức giá tối đa của dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2025. Trên cơ sở rà soát các quy định của Chính phủ và ý kiến đóng góp tại phiên họp trước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh dự thảo với các quy định về mức giá thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, công nghệ tái chế, chôn lấp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, xử lý triệt để.

Các đại biểu dự phiên họp cho rằng, rác thải gây ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nhức nhối và cấp bách, cần có chính sách xử lý đồng bộ. Trước đây, Thanh Hóa đã có nghị quyết 28 về hỗ trợ đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn, nhưng chưa khuyến khích được nhà đầu tư vì quy định về công suất xử lý quá lớn, đơn giá xử lý thấp. UBND tỉnh cơ bản thống nhất với các mức giá về thu gom, chế biến xử lý chất thải rắn được đề xuất trong dự thảo đề án do sở Tài nguyên và môi trường soạn thảo. Tuy nhiên, riêng quy định về hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn đối với hộ gia đình cá nhân thì vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường dự thảo 2 phương án để trình. Phương án 1: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho các hộ ra đình có mức xả thải ở số lượng nhất định. Phương án 2 là tính đúng, tính đủ chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các hộ gia đình cá nhân, theo phương châm: ai phát thải ra môi trường thì phải trả phí xử lý, qua đó để khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm lượng rác thải ra môi trường. Riêng các hộ gia đình, cá nhân khu vực miền núi, hỗ trợ chi phí xử lý như phương án 1. Dự thảo chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần nghiên cứu quy mô phù hợp đảm bảo tính khả thi.

Cũng trong ngày hôm nay, các đại biểu dự phiên họp đã nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019- 2020; Cho ý kiến để hoàn thiện, trình HĐND tỉnh dự thảo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình “Đầu tư xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, Phương án đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng huyện Thọ Xuân.

Ngày mai, 13/6, phiên họp thường kỳ tháng 6 của UBND tỉnh tiếp tục làm việc với nhiều nội dung quan trọng khác.

Phương Thảo - Xuân Trường

Theo Bản tin Thời sự Tối TTV