Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát tại Thanh Hóa

20:07 - 10/08/2018

(TTV) - Trong 2 ngày 9 và 10/8, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội do đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đã giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp, khu chế xuất và cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền, đại diện lãnh đạo các ngành, địa phương có liên quan tiếp và làm việc với đoàn.

Trước khi làm việc với tỉnh, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội đã đi khảo sát thực tế tình hình thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường tại nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; Khu công nghiệp Lễ Môn, Khu công nghiệp Đình Hương - Tây Bắc Ga và nhà máy giấy Mục Sơn.

Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội nêu rõ, trong những năm qua, bám sát phương châm không đánh đổi phát triển kinh tế lấy môi trường, tỉnh đã khắc phục khó khăn dành nhiều sự quan tâm cho công tác bảo vệ môi trường. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh khi đi vào hoạt động đều phải ký cam kết về bảo vệ môi trường với chính quyền địa phương. Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, hiện đại trong bảo vệ môi trường. Tỉnh Thanh Hóa quy hoạch 8 khu công nghiệp, đến nay đã có 5 Khu công nghiệp đi vào hoạt động, tại các khu công nghiệp này tỉnh đã và đang yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và thực hiện nghiêm các quy định khác về bảo vệ môi trường.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền và lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh đã giải trình, làm rõ một số nội dung về mức đầu tư của ngân sách tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường, về công tác kiểm tra, giám sát môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là đối với các cơ sở nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, đồng thời đề xuất, kiến nghị 4 nội dung đối với Quốc Hội, 3 nhóm nội dung đối với Chính Phủ, 6 nhóm nội dung đối với Bộ Tài nguyên môi trường về việc cần sớm sửa đổi luật bảo vệ môi trường năm 2014 và một số văn bản dưới luật; Về việc cần ban hành các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Thay mặt đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội, Phó chủ nhiệm Trần Văn Minh, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các Khu công nghiệp, và cơ sở sản xuất nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên bức thiết, do đó, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cần tăng cường kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Yêu cầu các doanh nghiệp thuộc diện, phải xây dựng công trình bảo vệ môi trường, chấp hành quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện nghiêm cơ chế báo cáo và hoàn tất thủ tục đăng ký hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; Phát huy tối đa hiệu quả của các khu xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, kết hợp nguồn ngân sách nhà nước với nguồn đầu tư xã hội hóa cho các công trình xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Đối với các đề xuất kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc Hội sẽ tiếp thu, ghi nhận để chuyển đến Quốc Hội, Chính Phủ và Bộ Tài nguyên môi trường.

Đình Hà – Anh Dũng – Quang Hòa – Xuân Sơn