Vài suy nghĩ về đào tạo và sử dụng người làm báo

08:01 - 16/07/2018

Đất nước ta bước vào thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế nhu cầu thông tin, quảng bá ngày càng cao. Với vai trò là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu của đời sống xã hội, cơ quan ngôn luận của tổ chức Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, diễn đàn của nhân dân...., báo chí nước ta không ngừng cải tiến về nội dung và hình thức, để làm tròn chức năng: Thông tin trung thực, nhanh chóng và chính xác tình hình trong nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân. Hiện tại nước ta có gần 1.000 cơ quan báo chí hoạt động trên 4 loại hình báo chí với đội ngũ những người làm báo lên tới gần 25.000 người.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển không ngừng của hoạt động báo chí, ngoài các cơ sở đào tạo người làm báo như: Học viện BC-TT, Đại học KHXH và NV HN và TP HCM, Đại học VHNT QĐ, Đại học sư phạm Đà Nẵng, Đại học Khoa học Huế..., còn nhiều cơ sở trên cả nước với những hình thức đào tạo khác nhau, hàng năm cho ra trường hàng trăm sinh viên báo chí. 

Theo thống kê gần đây,  báo chí truyền thông đang là một trong những ngành, nghề hot thu hút thí sinh. Đó cũng là quy luật tất yếu của cơ chế thị trường, rõ nhất là giữa cung và cầu. Thực tế việc đào tạo,  bồi dưỡng người làm báo đã được Đảng, Nhà nước, đặc biệt các cơ quan báo chí chú trọng từ lâu.  Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước,  trường Tuyên giáo Trung ương đã mở khoá đào tạo chính quy nghề báo. Các cơ quan báo chí như báo QĐND, ND, CAND.., hằng năm đều tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo TTV, CTV đáp ứng nhu cầu trước mắt về việc cung cấp thông tin, phản ảnh kịp thời mọi mặt của đời sống xã hội.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) việc đào tạo người làm báo có tính chuyên nghiệp hơn. Không chỉ đào tạo nghiệp vụ viết báo, chụp ảnh, quay phim...mà còn trang bị một cách toàn diện kiến thức và phương pháp tác nghiệp từ nội dung, kỹ thuật, phát hành, truyền dẫn đến tổ chức sự kiện ngoài trang báo. Báo SGGP là một ví dụ. Cách đây gần 10 năm, năm 2009, báo SGGP đã xây dựng dự án được Thành ủy thông qua tại kết luận 1085 về xây dựng mô hình hoạt động cơ quan báo chí theo hướng 3 chân: Nội dung thông tin - Kinh tế báo chí - Hoạt động xã hội; trong đó chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực của người làm báo. Tuy đã có cố gắng rất nhiều so với trước, song thực tế việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ làm báo ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Trước hết, việc định hướng nghề nghiệp cho những người làm báo chưa được như mong muốn. Ai cũng biết, nghề báo là nghề đặc thù và gặp nhiều yếu tố rủi ro cao. Báo chí là một mặt trận - nhà báo là chiến sỹ trên mặt trận ấy ! Nhưng không phải cơ quan báo chí,  người làm báo nào cũng nhận thức được đầy đủ điều này. Theo khảo sát của chúng tôi ( với các sinh viên đang học tại khoa báo chí của một trường đại học), có trên 60%  sinh viên cho rằng chọn nghề báo vì đó là nơi thể hiện quyền lực mềm (quyền lực thứ 4); một nghề dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng, được giao du đây đó...(!?). Kế đến, tuy đã xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác báo chí, nhưng giáo trình, quy trình đào tạo báo chí của các trường có chức năng đào tạo ngành báo chí chưa hẳn đã thống nhất. Việc đào tạo lại đối với những người làm báo chưa kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đời sống xã hội, đặc biệt hội nhập quốc tế đặt ra. 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm lớn nhất của cả nước về nhiều mặt, trong đó là một trung tâm lớn nhất của cả nước về hoạt động báo chí và xuất bản. Từ thực trạng đội ngũ những người làm công tác báo chí và xuất bản càng đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc biệt, có sự đổi mới về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và quản lý đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực đặc biệt này. Từ đó, chúng tôi có vài kiến nghị: 

Thứ nhất, xác định nghề báo, lao động nhà báo là một nghề đặc thù, nhạy cảm, rui ro cao; sản phẩm báo chí là hàng hoá đặc biệt, có ảnh hưởng đến toàn xã hội, Đảng, Nhà nước cần có chủ trương chính sách đặc biệt về hoạt động báo chí truyền thông nói chung và đào tạo và sử dụng đội ngũ những người làm báo, nói riêng. Trong đó chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của người làm báo, bắt đầu từ việc thi tuyển và đào tạo những người vào học ở các cơ sở có chức năng đào tạo nghề báo. 

Thứ 2, cùng với việc nâng cao, cập nhật trình độ chuyên môn, cần đặc biệt chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp của  người làm báo theo hướng: Bút sắc, lòng trong, tâm sáng.

Thứ 3, cần thống nhất nhận thức; khẩn trương  xây dựng và hoàn thiện bộ giáo trình đào tạo nghề báo theo hướng kết hợp nhuần nhuyễn giữa cứng và mềm; giữa định hướng và thực tiễn; chú trọng thực tiễn. 

Thứ 4, cần có kế hoặch  đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở các cơ sở có chức năng đào tạo sinh viên báo chí, theo tiêu chí: chú trọng lý luận, ưu tiên thực hành; đồng thời nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học về nghề báo và hoạt động báo chí.

Thứ 5, có kế hoạch để tiếp nhận và tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp đại học báo chí có việc làm ở các cơ quan báo chí, tránh trường hợp biến họ thành “nhà báo tự do” không đáp ứng mục đích và yêu cầu của công tác đào tạo. Cuối cùng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, chế độ để tạo điều kiện cho người làm báo hoàn thành sứ mệnh: người đưa tin, định hướng - chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá; trong đóviệc trang bị kỹ năng, phương tiện, chăm lo đời sống để những người làm báo tự bảo vệ mình từ hoạt động vô hình đến hữu hình là rất quan trọng vàn cần thiết./.

Nhà báo Trần Thế Tuyển (Nguyên TBT báo SGGP; Giảng viên Báo chí trường ĐHVH-NT QĐ)