Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động của các Công ty tài chính

08:35 - 13/12/2018

(TTV) - Các chuyên gia Luật nhận định, việc không phân định rõ giữa quyền đặt tên, quyền kinh doanh, ngành nghề kinh doanh và điều kiện kinh doanh chính là kẽ hở khiến tội phạm tín dụng đen hoạt động rầm rộ trong thời gian vừa qua.

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh hiện có 572 công ty có tên gọi là Công ty tài chính, với ngành nghề đăng ký kinh doanh là dịch vụ cầm đồ và một số dịch vụ khác. Trên thực tế, rất nhiều công ty còn thực hiện cho vay tiền theo hình thức “trả góp”. – một thuật ngữ vốn được dùng trong hoạt động ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng nhân dân.

Làm 1 phép tính đơn giản, vay 10 triệu nhưng chỉ nhận thực tế là 8 triệu bởi bên cho vay đã cắt trước 2 triệu đồng tiền lãi của kỳ hạn 50 ngày vay, tương đương với việc người vay nợ phải trả 40.000 đồng tiền lãi một ngày, mức lãi suất sẽ là 144% 1 năm, cao gấp 7,2 lần mức lãi suất tối đa mà Bộ Luật dân sự quy định và hoàn toàn có thể xử phạt người cho vay theo Luật Hình sự với khung hình phạt hành chính có thể lên tới 2 tỷ đồng và 3 năm tù giam.

“Công ty tài chính”, “Công ty cho thuê tài chính” hay “tổ chức tài chính” là một thuật ngữ chuyên dụng trong ngành ngân hàng với bản chất là đơn vị được pháp luật cho phép hoạt động kinh doanh tiền tệ và chịu sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Trung ương không cấp phép cho bất kỳ một công ty tài chính nào trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa: Việc thành lập công ty tài chính không phải là Ngân hàng, không phải là Quỹ tín dụng nhân dân được Nhà nước cấp phép phải tuân thủ chặt chẽ rất nhiều các điều kiện, trong đó có điều kiện về vốn điều lệ. Chúng tôi khẳng định là hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Trung ương không cấp phép cho bất kỳ một công ty tài chính nào trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa: Việc thành lập công ty tài chính không phải là Ngân hàng, không phải là Quỹ tín dụng nhân dân được Nhà nước cấp phép phải tuân thủ chặt chẽ rất nhiều các điều kiện, trong đó có điều kiện về vốn điều lệ. Chúng tôi khẳng định là hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Trung ương không cấp phép cho bất kỳ một công ty tài chính nào trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, doanh nghiệp khi đăng ký được đặt tên công ty tùy chọn, chỉ cần đảm bảo đủ các yếu tố: không trùng lặp với các công ty đã đăng ký trước đó, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy, nhiều tổ nhóm tội phạm đã lợi dụng danh nghĩa “công ty tài chính” để đặt tên công ty, biến tướng thành các “công ty dịch vụ tài chính”, “công ty tư vấn tài chính” để tạo thành vỏ bọc hợp pháp.

Như vậy, việc nhận diện, phân tách giữa “tên công ty” và “ngành nghề kinh doanh, điều kiện kinh doanh” để làm rõ hành vi vi phạm của các công ty kinh doanh tài chính trái phép là không hề khó, vì pháp luật đã quy định rất rõ ràng. Dư luận đặt ra câu hỏi: vì sao hoạt động tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp tài chính nở rộ trong thời gian vừa qua chưa được ngăn chặn hữu hiệu?

Tuyết Hạnh- Đức Anh