Văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành trong tháng 10 và đầu tháng 11/2018

09:36 - 22/10/2018

(TTV) - Một số văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành trong tháng 10 và đầu tháng 11/2018.

1. Thức ăn đường phố không che đậy phạt đến 1 triệu đồng

Đây là nội dung của Nghị định 115/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 04/09/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Cụ thể, phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sau:

- Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định pháp luật về bày bán thức ăn;

- Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

- Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định nhiều mức phạt cho các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm như:

- Hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng

- Hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt móng tay trong kinh doanh bếp ăn tập thể, nhà hàng ăn uống bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực từ 20/10/2018.

2. Doanh nghiệp dưới 10 lao động được miễn gửi thang, bảng lương

Đây là một trong hai nội dung mới của Nghị định 121/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Cụ thể, Nghị định này quy định doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động được miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm mới còn lại của Nghị định là bổ sung quy định xây dựng định mức lao động làm cơ sở để trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, đảm bảo các nguyên tắc theo Điều 8 Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 13/09/2018, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

3. Đồng loạt sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/11/2020

Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã được Chính phủ ban hành ngày 12/09/2019.

Tại Nghị định này, Chính phủ yêu cầu việc thực hiện hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 01/11/2020. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/10/2020.

Nghị định này cũng quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó có:

- Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

Để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính có thể quyết định một số trường hợp khác được sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

4. Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu

Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Chính phủ ban hành ngày 07/09/2018.

Nghị định này đã tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng);

Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị định cũng bổ sung quy định: Doanh nghiệp chưa được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có thể được ngân hàng xem xét cho vay không tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.

5. Hướng xử lý với thực phẩm không an toàn bị thu hồi

Bộ Y tế đã ra Thông tư 23/2018/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ này.

Cụ thể, sau khi bị thu hồi, những thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ được xử lý theo một trong các hình thức:

- Khắc phục lỗi ghi nhãn: Áp dụng đối với sản phẩm vi phạm về ghi nhãn so với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm;

- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với sản phẩm vi phạm có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng không sử dụng được trong thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào lĩnh vực khác;

- Tái xuất: Áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng, mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng;

- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng hoặc mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Thông tư này được ban hành ngày 14/09/2018, có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

6. Yêu cầu mới với địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm

Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành ngày 17/09/2018.

Theo Nghị định mới, địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm;

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định cũng bỏ quy định chủ cơ sở, người trực tiếp giết mổ, sơ chế phải có Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe; Cơ sở phải có nước sử dụng cho giết mổ, sơ chế đáp ứng các quy định kỹ thuật tại QCVN 01:2009/BYT và có hệ thống thoát nước thải chảy từ khu vực yêu cầu vệ sinh cao…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 17/09/2018.

7. Bổ sung quy định tạm dừng cưỡng chế thuế

Ngày 27/09/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 87/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 215/2013/TT-BTC về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Điểm mới đầu tiên của Thông tư này là quy định được tạm dừng hoặc chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế nếu đến thời hạn áp dụng biện pháp cưỡng chế mà cơ quan thuế đã ban hành một trong các văn bản: Thông báo nộp dần tiền thuế nợ; Quyết định gia hạn nộp thuế; Thông báo không tính tiền chậm nộp.

Một điểm mới khác là quy định quyết định cưỡng chế thuế được gửi qua mạng. Theo đó, trường hợp người nộp thuế đã có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được gửi theo phương thức điện tử.          

Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử thì quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm qua bưu điện.

Thông tư này cũng sửa đổi quy định về thời điểm phải ban hành quyết định cưỡng chế. Theo đó, sau ngày thứ 90 kể từ ngày: Số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế…, quyết định cưỡng chế thuế sẽ được ban hành, thay vì quy định cụ thể trong ngày thứ 91 như trước đây.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.

BT. Minh Tuyết