Vẫn còn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

09:24 - 01/06/2020

(TTV) - Thời gian gần đây, tình trạng học sinh trung học phổ thông, thậm chí cả học sinh trung học cơ sở đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu, đi dàn hàng ngang trên đường gây mất an toàn giao thông diễn ra phổ biến.

 

Chỉ trong khoảng 10 phút quan sát trước cổng các nhà trường vào giờ tan học, phóng viên TTV đã ghi nhận rất nhiều học sinh từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ diễn ra nhiều. Trong đó hành vi vi phạm phổ biến nhất là không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh vượt ẩu, đi hàng ngang trên đường, nhiều học sinh còn đi xe mô tô, xe máy đến trường khi chưa có giấy phép lái xe. Mặc dù, những năm gần đây, khi vào đầu năm học các nhà trường đều tổ chức cho phụ huynh và học sinh ký cam kết không giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe  gắn máy và xe máy điện. Đồng thời áp dụng nhiều biện pháp quản lý, xử lý học sinh vi phạm, như nhắc nhở, mời phụ huynh đến gặp lãnh đạo nhà trường, hạ hạnh kiểm nếu tái phạm. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh vẫn vi phạm.

Thầy  Lường Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa cho biết:  Nhà trường đã có nhiều chế tài xử lý học sinh  vi phạm Luật giao thông nhưng hiệu quả chưa cao do ý thức học sinh và sự phối hợp chưa tốt giữa nhà trường và phụ huynh.

Thầy Lường Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa cho biết: Nhà trường đã có nhiều chế tài xử lý học sinh vi phạm Luật giao thông nhưng hiệu quả chưa cao do ý thức học sinh và sự phối hợp chưa tốt giữa nhà trường và phụ huynh.

 

Có thể thấy, nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được hậu quả khi không may xảy ra tai nạn, công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, liên tục, các bậc phụ huynh chưa phối hợp tốt với các nhà trường trong việc giáo dục và quản lý con em mình.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, góp phần bảo đảm an toàn giao thông học đường, hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở lứa tuổi học sinh, rất cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài việc quản lý giáo dục của nhà trường thì trước hết các phụ huynh không cho con sử dụng xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi và luôn giáo dục con em mình chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông trên đường. Đồng thời các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật giao thông trong trường học cũng như kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 1/6