Vẫn còn tình trạng người dân điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia

18:34 - 13/08/2019

(TTV) - Bất chấp hàng loạt vụ tai nạn thương tâm, xử lý cương quyết của lực lượng CSGT và những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, thế nhưng tình trạng người dân điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra khá phổ biến. Ghi nhận của nhóm phóng viên thời sự tại thành phố Thanh Hóa.

 

18h tại những quán bia dọc đường Lê Quý Đôn, xe cộ đậu kín chiếm dụng lòng đường. Tại đây, các quán nhậu đông đúc, những gương mặt khách hàng ửng đỏ vì bia rượu, những cốc bia cạn rồi đầy,… Sau những cuộc vui ấy, những người này lại tiếp tục điều khiển phương tiện cá nhân để trở về nhà, dẫu phía trước tay lái họ lúc này, là mạng sống của chính họ và của nhiều người khác.

Anh Trịnh Quyết Thắng (Phường Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa) nói: "Khi tham gia giao thông đã uống rượu rồi, người ta có xe chẳng nhẽ lại để đó đi bộ về, nên là rất khó. Cái quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông của dân Việt Nam chưa cao"

Nghị định 171 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ: người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép có thể bị phạt hành chính lên đến 18 triệu đồng, đồng thời bị tước GPLX lên tới 6 tháng và tạm giữ phương tiện. Ngày 14/6 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật phòng, chống tác hại rượu, bia trong đó quy định “Người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu, bia trước, trong và sau khi tham gia giao thông”, chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Những chế tài xử phạt nghiêm khắc này được kỳ vọng sẽ làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức của người dân, góp phần kéo giảm số vụ TNGT có nguyên nhân xuất phát từ rượu, bia.

Mai Huệ - Lê Quang

Theo Bản tin 18h30/TTV