Vấn đề chú thích ảnh báo chí

23:31 - 18/11/2018

Ngày 25/9, bức ảnh của Don Emmert, phóng viên hãng thông tấn AFP tại New York, chụp một đại biểu Việt Nam ngủ say trong hội trường trụ sở Liên hợp quốc, gây ồn ào trên mạng nhiều ngày liền. Những ý kiến trái chiều về tấm hình này khởi đi từ một thông tin chưa làm rõ: khoảnh khắc bấm máy là lúc giải lao hay trong phiên họp.

 

Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12 vào ngày 26/5/2018. Phút chia tay bạn bè trong ngày cuối cấp khiến nhiều học sinh, phụ huynh bật khóc. Ảnh của báo Tuổi Trẻ. Ảnh này bị dùng nhầm cho sự kiện phụ huynh và học sinh Hà Nội khóc trong ngày 5/7/2018 vì không xin được vào học lớp 10 ở các trường THPT công lập Hà Nội
 

Đừng coi thường chú thích ảnh

Từ câu chuyện về bức ảnh báo chí ấy, xin được phép bàn thêm một khía cạnh nhỏ trong tác nghiệp: đừng coi thường chú thích (caption) cho ảnh báo chí.

Tư duy cũ - đôi nơi, đôi chỗ - vẫn còn ảnh hưởng trong cách biên tập và sử dụng ảnh hiện nay. Đời sống báo chí những năm qua cũng xảy ra nhiều chuyện dùng ảnh cũ, hoặc ảnh ở nước ngoài để gán cho sự kiện mới hoặc sự kiện ở Việt Nam. Cứ mỗi lần lũ lụt là tấm ảnh một người phụ nữ leo nóc nhà, những em bé vẫy tay từ mái ngói lại được tái sử dụng.

Đã có một thời, chúng ta coi nhẹ ảnh báo chí do thiếu thốn máy móc, vật tư ngành ảnh. Cách đây 20 - 30 năm, thực trạng dùng ảnh trên báo nước ngoài để minh họa vô thưởng, vô phạt cho nhiều bài viết của báo chí trong nước khá phổ biến. Cùng với quá trình hội nhập, ý thức về bản quyền được nâng lên, cùng với năng lực tư duy đa phương tiện và điều kiện thiết bị cho phép, ảnh báo chí ngày nay được chú trọng hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy mới chỉ ở bước đầu.

Ngày 5/7/2018, một bức ảnh xuất hiện trong nhiều bài viết để minh họa cho thông tin về sự khó khăn trong chuyện xin vào học lớp 10 ở các trường THPT Hà Nội (hiện nay vẫn còn trên mạng, ví dụ bài “Khóc trước cổng trường công lập: Nghịch lý ở đâu?”) là bức ảnh được chụp từ... thành phố Hồ Chí Minh trong một sự kiện không liên quan cách đó gần 2 tháng.

Thậm chí, sau khi báo dùng lại tấm ảnh ấy cho sự kiện ở Hà Nội, có một nhà báo còn bình luận về bức ảnh trong một bài viết có tên “Nước mắt đi tìm tương lai”: “Tôi nhìn mãi, nghĩ mãi, ám ảnh mãi về tấm hình một người đàn ông ôm con gái của mình. Và người đàn ông ấy khóc. Anh khóc vì con mình không vào được trường phổ thông hệ công lập. Có lẽ, với nhiều người, tấm vé “BOT giáo dục”, tấm vé để được đi con đường đến với tương lai qua cổng trường tư thục là một gánh quá nặng, họ khó có thể lo toan được dù đã đổ cả mồ hôi và nước mắt để lót đường”. Thực tế thì đây là tấm ảnh chụp vào ngày 26/5, khi trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12. Phút chia tay bạn bè trong ngày cuối cấp khiến nhiều học sinh, phụ huynh bật khóc.

Ít nhất 80 người đã thiệt mạng khi tháp Grenfell Tower, tòa nhà 24 tầng ở Bắc Kensington (London, Anh)

bùng cháy dữ dội vào ngày 14/6/2017. (Ảnh: Guilhem Baker)

Tác động mạnh hơn cả ngàn bài viết

Trong câu chuyện bức ảnh “nhà ngoại giao ngủ gật”: Đừng hiểu “thời điểm” trong chú thích ảnh chỉ là ngày chụp, giờ chụp. Câu chuyện người xem không rõ thời điểm chụp ảnh ở đây là: chụp lúc giải lao hay chụp lúc hội nghị diễn ra. Tất cả những người biết đọc chữ tiếng Anh hay thậm chí tiếng Việt, tiếng Pháp chắc chắn đều giải mã 2 chữ Việt Nam trên bức ảnh 1 về cơ bản là giống nhau, nhưng chỉ dựa vào hình ảnh, không ai biết khoảnh khắc bấm máy là lúc nào. Nếu trả lời đúng bản chất câu hỏi ấy, câu chuyện tranh luận chắc đỡ ồn ào vì tính đúng sai của hành vi hơn.

Hình ảnh trên báo chí truyền thông là thông điệp không có bộ mã, và vì thế, không phải ai cũng “đọc” ra thông tin giống nhau, hoặc ít nhất, giống ý đồ của nhà truyền thông.

Lịch sử báo chí - truyền thông cho thấy, một bức ảnh báo chí có giá trị có hiệu quả tác động hơn cả ngàn bài viết. Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều bức ảnh báo chí của phóng viên chiến trường đã có tác động đến chính sách của Nhà Trắng, thúc giục hàng vạn thanh niên Mỹ phản đối “chiến tranh Việt Nam”, động viên hàng ngàn thanh niên miền Bắc viết đơn xin được lên đường ra tiền tuyến...

Hình ảnh tác động rất mạnh đến cảm xúc. Và từ trái tim, từ sự yêu ghét, thông tin từ hình ảnh có giá trị dẫn dắt thái độ, hành động. Nhưng, tự thân hình ảnh không làm được chuyện đó nếu không kết hợp các loại ngôn ngữ khác.

​“Chú thích ảnh” (caption) dùng chữ viết để diễn đạt thông tin bổ trợ cho những điều bức ảnh không nói được hoặc khó nói được. Ảnh báo chí hay video, clip hầu hết phải có chú thích hay lời bình, bởi rất nhiều thứ trong cuộc sống này không có hình hài, không thể sờ mó được và tất nhiên, không thể chụp hình, quay phim được. Ví dụ như, chúng ta không thể chụp hình, quay phim “thị trường xăng dầu”hoặc chúng ta không thể chụp hình, quay phim “lòng yêu nước” được, vì đó là những hiện thực không có hình hài, rất trừu tượng. Chữ viết hay lời nói trong chú thích ảnh hoặc lời bình của video là ngôn ngữ con người, là phương tiện tư duy và có bộ mã quy ước nên nó có thể diễn đạt những gì có tính chất lý luận, trừu tượng, bổ trợ đắc lực cho hình ảnh.

Ảnh báo chí không phải là ảnh nghệ thuật. Ảnh báo chí diễn đạt sự kiện. Và chú thích ảnh là một thành tố trong tác phẩm để góp phần trình bày đầy đủ hơn các khía cạnh của sự kiện ấy. Các nhà chuyên môn khuyến cáo, nên viết chú thích ảnh theo công thức kinh điển 5W+H. Những gì hình ảnh đã trả lời được cho các câu hỏi (what, when, where, who, why, how?) thì thôi, những gì ảnh không nói được thì cần ghi rõ.

Một bức ảnh nếu chú thích không đầy đủ, nhất là các yếu tố thông tin như thời điểm, không gian (mà bản thân “ngôn ngữ ảnh” khó tự thể hiện), đôi lúc đôi chỗ có thể gây hậu quả khó lường.

Câu hỏi về thời điểm bấm máy cho thấy, chú thích không thể xem là phần phụ, chỉ có tính chất bổ sung cho nội dung thông điệp của tác phẩm ảnh.

Theo Phan Văn Tú/Người làm báo