Vay 4 triệu qua mạng, nam thanh niên phải trả gần 250 triệu đồng

17:11 - 28/02/2020

Từ khoản vay 4 triệu đồng qua ứng dụng vay tiền trực tuyến, nay T. phải trả 180 triệu nhưng vẫn còn nợ hơn 70 triệu đồng…

Công an huyện Nam Đàn (Nghệ An) vừa nhận được đơn trình báo của một nam thanh niên về việc liên tục bị đe dọa, khủng bố tinh thần bản thân và gia đình do vay tiền trên ứng dụng online.

Bảng kê số tiền anh T đã vay, trả, được trình báo tại công an.
Bảng kê số tiền anh T đã vay, trả, được trình báo tại công an.

Trước đó, anh T.V.T. (trú xã Nam Hưng, Nam Đàn, Nghệ An) cùng gia đình vào làm việc tại miền Nam. Do kinh tế khó khăn nên đầu năm 2019, anh T. đã tìm đến ứng dụng vay tiền trực tuyến để giải quyết khó khăn gấp.

Ban đầu, anh T vay số tiền 4 triệu đồng trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, thực tế tài khoản anh T. chỉ nhận được số tiền 2,2 triệu đồng. Số tiền đã bị trừ được gọi là phí dịch vụ vay. Sau 14 ngày, anh T. chưa trả được hết số tiền vay nên liên tục bị các đối tượng lạ gọi điện đến đe dọa, chửi bới, bắt trả hết nợ. Các đối tượng lạ này sau đó yêu cầu anh T. phải tiếp tục dùng ứng dụng online khác để vay tiền nhằm trả món nợ cũ.

Với một ứng dụng mới, anh T. vay số tiền 2 triệu đồng nhưng thực tế nhận được là 1 triệu đồng và phải trả trong vòng 7 ngày. Hết 7 ngày, T. không thể trả hết nợ, T. tiếp tục bị ép vay rất nhiều ứng dụng khác để lấy tiền ứng dụng sau trả khoản nợ của ứng dụng trước.

Không có khả năng trả nợ vì số tiền đã rất lớn, T. liên tục bị gọi điện đe dọa, gọi điện làm phiền. Quá sợ hãi, T. sau đó phải tắt điện thoại. Đến thời điểm hiện tại, T. đã vay tổng cộng 70,4 triệu đồng qua các ứng dụng nhưng chỉ thực nhận được 45,1 triệu đồng. Cuối năm 2019, T. cùng gia đình trở về quê. Trước việc bị đe dọa đòi nợ, gia đình, người thân đã vay mượn tiền để T. trả bớt nợ. Tổng cộng anh T. đã trả nợ hơn 180 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn đang còn nợ lại số tiền hơn 70 triệu đồng.

"Do khi vay, T. phải cung cấp các số điện thoại người thân nên khi T. không trả được tiền, các đối tượng gọi liên tục vào máy của T. rồi gọi cả vào số người thân để đòi nợ. Gia đình, người thân sau đó phải cầm cố cả bìa đất lấy tiền cho T. trả nợ. Đến khi có người hướng dẫn trình báo công an thì T. mới đến trình báo công an vì trước đó quá sợ hãi nên không dám", một cán bộ công an cho biết.

Đến “bước đường cùng” anh T đã đến cơ quan công an trình báo. Sau khi trình báo công an, T. mới dám mở số điện thoại ra để lấy lại các bằng chứng, thông tin đã vay tiền còn lưu trong tin nhắn và các ứng dụng.

Theo cơ quan chức năng, hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng online là thủ đoạn mới của loại đối tượng tín dụng đen, đang lách luật để hoạt động. Các đối tượng này sử dụng công nghệ để dụ dỗ người vay và cho vay, biến tướng thành việc cho vay nặng lãi.

Để lách luật, lãi suất các ứng dụng đưa ra nằm trong khoảng pháp luật quy định. Thay vào đó, các ứng dựng sẽ trá hình bằng phí quản lý, phí hồ sơ, phí phạt trả chậm,… với số tiền lớn, người dùng không hề biết trước.

Hiện sự việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ.

Theo CTV Nhật Minh/VOV.VN