Vì sao nhiều bến thủy nội địa không phép vẫn hoạt động?

08:33 - 12/07/2020

(TTV) - Vừa qua Đài PT&TH Thanh Hóa đã phản ánh về tình trạng: nhiều bến thủy nội địa chưa có giấy phép mở bến nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động vận chuyển khách và bơm hút, tập kết vật liệu xây dựng, gây bức xúc, làm ảnh hưởng tới luồng lạch chạy tàu. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tình trạng này tồn tại nhiều năm vẫn không được xử lý dứt điểm? Giải pháp nào để xóa bỏ các bến thủy nội địa không phép ?

 

Trên tuyến sông Lạch Trường, đoạn qua xã Hoằng Yến và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa hiện có 2 bến thủy nội địa đang hoạt động vận chuyển khách ngang sông. Tuy nhiên, chỉ có bến ở xã Hoằng Yến là có giấy phép mở bến. Còn với bến xã Hoằng Trường, mặc dù chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, nhưng lượng khách tham gia trên bến này khá đông. Đa phần khách tham gia trên bến biết bến đò không được phép hoạt động, nhưng vì tiện cho bản thân nên nhiều người vẫn tham gia .

Một nguyên nhân đến nay nhiều bến thủy nội địa không phép vẫn chưa thể xóa bỏ dứt điểm đó là: theo Nghị định 132 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy, tại mục 4, điều 23 về khai thác cảng và bến thủy nội địa quy định: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi: đưa bến thủy nội địa vào hoạt động mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, Nghị định không có chế tài đình chỉ hoạt động bến. Chính vì vậy, khi lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện bến thủy nội địa không phép hoạt động chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính và sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn.

Ông Lê Văn Lương - Phó chánh thanh tra giao thông, Sở GTVT: Theo đề án phát triển đường thủy nội địa của tỉnh đã phê duyệt thì những bến thủy đủ điều kiện an toàn sẽ được cấp phép. Nhưng thực tế còn một số chủ bãi không chủ động hoàn thiện bến thủy. Mặt khác, khi chúng tôi đến kiểm tra nếu có hoạt động bơm hút cát thì khi đó chúng tôi mới xử lý được. Ngoài ra nếu đến không có phương tiện cũng không thể xử lý được
Ông Lê Văn Lương - Phó chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải: Theo đề án phát triển đường thủy nội địa của tỉnh đã phê duyệt thì những bến thủy đủ điều kiện an toàn sẽ được cấp phép. Nhưng thực tế còn một số chủ bãi không chủ động hoàn thiện bến thủy. Mặt khác, khi chúng tôi đến kiểm tra nếu có hoạt động bơm hút cát thì khi đó chúng tôi mới xử lý được. Ngoài ra nếu đến không có phương tiện cũng không thể xử lý được

Quyết định số 4804, ngày 3/12/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt: “Đề án phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”  giao Sở GTVT rà soát, cấp phép bổ sung bến thủy nội địa cho các bến, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đã được UBND tỉnh cho thuê đất nếu đảm bảo các điều kiện: vị trí neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, luồng tuyến và hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa...Vì vậy, các lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ bến khách ngang sông và tập kết vật liệu xây dựng chủ động liên hệ với Sở Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục hồ sơ cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.

Theo Chuyên mục ATGT 24h/TTV