Vì sao xét nghiệm COVID-19 lại cho kết quả lúc âm, lúc dương?

16:50 - 03/12/2021

PGS.TS Trần Đình Bình - chuyên gia về chống nhiễm khuẩn và vi sinh y học - tại Đại học Y - Dược (Đại học Huế) lý giải vì sao xét nghiệm COVID-19 (test nhanh) lại cho kết quả lúc âm, lúc dương?

 

Hướng dẫn nhận biết kết quả xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Ảnh: PV
Hướng dẫn nhận biết kết quả xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Ảnh: PV

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm COVID-19 như:

+ Do cách lấy mẫu: Chưa đủ mẫu, sai vị trí lấy mẫu, ngoáy không đủ sâu, lấy mẫu 2 lần liên tiếp ở cùng một bên mũi.

+ Yếu tố thời gian từ lúc khởi phát đến khi lấy mẫu: Thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng có ảnh hưởng lớn đến kết quả xét nghiệm. Mới nhiễm bệnh những ngày đầu thì tỷ lệ âm tính cao, nhiễm bệnh có triệu chứng thì khả năng test dương tính cũng cao hơn so với không triệu chứng, nhiễm bệnh trên 7 ngày thì tỷ lệ âm tính cũng cao hơn.

+ Nồng độ virus trong bệnh phẩm cũng là yếu tố quyết định khả năng dương tính của xét nghiệm. Nếu nồng độ virus trong mẫu nghiệm cao thì tỷ lệ dương tính cao, ở một nồng độ virus nhất định thì kết quả xét nghiệm có thể âm tính. Đối chiếu với kết quả xét nghiệm RT-PCR thì nếu CT ≤ 25 thì độ nhạy là 96,4% (94,3-97,7) trong khi CT ≤ 30 độ nhạy là 89,5% (85,3-92,5). Tuy nhiên, nếu CT>30 thì độ nhạy giảm còn 18,7% (12,9-26,3) hay tỷ lệ âm tính sẽ cao.

Trong trường hợp này cần kiểm tra lại bằng test nhanh thứ hai với mẫu lấy ở mũi phía khác, không lấy cùng bên, nếu có thể thì thực hiện lấy mẫu làm PCR.

- Vạch thử mờ, vạch chứng đậm: được đọc kết quả là Dương tính.

- Khi kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính thì được coi là mắc bệnh (F0), cần báo cáo với cơ sở y tế gần nhất, thực hiện mọi biện pháp dự phòng cách ly tại chỗ, thực hiện 5K và những quy định khác theo hướng dẫn.

- Khi kết quả xét nghiệm là âm tính, thì chưa chắc là không mắc bệnh, cần chú ý theo dõi sức khỏe của bản thân, xét nghiệm lại sau 24 - 48 giờ, luôn luôn tuân thủ thực hiện 5K để bảo vệ những người xung quanh.

- Chất thải sau xét nghiệm tại nhà: Là an toàn (vì dung dịch buffer đã phá huỷ và giết chết virus nên không còn nguy cơ lây lan), được xử lý như chất thải y tế (khẩu trang, áo quần phòng hộ, mạng che mặt, găng tay đều cho vào một túi riêng, màu vàng, khử khuẩn bằng dung dịch rửa tay hay chloramin (nếu có) trước khi gói kín và cho vào một túi khác để đưa vào các chất thải xử lý thông thường.

Như vậy, nếu test nhanh dương tính thì khả năng mắc bệnh là chắc chắn, còn kết quả âm tính thì cần test lại lần hai sau đó vài giờ để kiểm tra.

Tuy nhiên, khi thực hiện test nhanh tại nhà, dù kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính thì mọi người vẫn đảm bảo yêu cầu 5K để bảo đảm an toàn cho cá nhân và cộng đồng.

PGS TRẦN ĐÌNH BÌNH (ĐH Y - DƯỢC HUẾ)

Báo Lao động