Việt Nam triển khai 40 lượt sĩ quan tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi

17:21 - 06/12/2019

Năm 2019, Việt Nam triển khai 40 lượt sĩ quan tại hai phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, và một bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan.

Ngày 6/12, tại trụ sở Cục giữ gìn hòa bình Việt Nam, diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và các hoạt động giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc trong môi trường Pháp ngữ”.  Hội thảo do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao)  phối hợp với Cục giữ gìn hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức, tập trung bàn về những kinh nghiệm của Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong quá trình tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình, từ đó đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả đóng góp cho tương lai.  

viet nam da trien khai 40 luot si quan tai nam sudan va cong hoa trung phi hinh 1
Toàn cảnh hội thảo.

Việt Nam chính thức tham gia đóng góp vào các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc từ năm  2014. Đến năm 2019, Việt Nam triển khai 40 lượt sĩ quan tại hai phái bộ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, cùng với đó là một bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan, đồng thời tích cực chuẩn bị cho Đội công binh để triển khai tại Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc khi có yêu cầu.

Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và các hoạt động giữ gìn hòa bình nói riêng. Tuy khởi đầu còn khiêm tốn, song Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình thuộc Bộ Quốc phòng cho biết: “Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp thiết thực hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thực thi những sáng kiến và hành động cụ thể nhằm kiến tạo hòa bình, xây dựng nền tảng bền vững cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh xung đột. Do đó, chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, có sự hợp tác hơn nữa với các quốc gia có kinh nghiệm để chúng ta cùng thực hiện mục tiêu chung cao cả đầy tính nhân đạo và đem lại hạnh phúc cho người dân ở những nơi còn thực sự khó khăn, đói nghèo, thiệt thòi so với mặt bằng chung của nhân loại”.

Cam kết của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động giữ gìn hòa bình. Khoảng 2/3 các hoạt động của các phái bộ giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc được triển khai tại các nước nói tiếng Pháp. Các nước nói tiếng Pháp cũng tham gia đóng góp ngày càng nhiều vào các hoạt động giữ gìn hòa bình.  

Ông Desire Nyaruhirira, Cố vấn chính trị và ngoại giao  của Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cho biết: “Việc tổ chức cuộc hội thảo ngày 12/6 minh chứng sự tham gia sâu rộng của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Từ năm 2014 Việt Nam đã gửi các sĩ quan quân đội đến các phái bộ. Từ năm 2018, một đội ngũ y tế của Việt Nam đã được gửi đến bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan và bệnh viện dã chiến này không những phục vụ  cho cho lực lượng gìn giữ hòa bình mà còn phục vụ cho cả người dân địa phương. Sự đóng góp của Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi tạo điều kiện thuận lợi cho các phái bộ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Ông Desire Nyaruhirira cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã có những cố gắng trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào việc giữ gìn hòa bình. Đây là một ưu tiên trong năm 2020 của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc cho biết, ngôn ngữ là một trong những rào cản, vì vậy việc nâng cao năng lực sử dụng thành thạo tiếng Pháp trong môi trường đa quốc gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là rất quan trọng.

Chia sẻ về kinh nghiệm sau 1 năm tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình,  nữ sỹ quan Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết: “Sau khi tham gia khóa học về gìn giữ hòa bình ở trong và ngoài nước, tôi có kiến thức cơ bản và tôi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Sau 1 năm thực hiện nhiệm vụ tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Từ những bài học thực tế, tôi đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình . Tư duy, cách nhìn nhận đối với nhiệm vụ khác rất nhiều trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Có một dấu hiệu rất đáng mừng là các nữ quân nhân luôn sẵn sàng xung phong lên đường nhận nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình”.

Theo thống kê, hiện nay Cộng đồng Pháp ngữ có 59 nước thành viên tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đáng chú ý là nhiều phái bộ của Liên Hợp Quốc tại châu Phi, nơi hơn một nửa các quốc gia sử dụng tiếng Pháp như ngôn ngữ chính thức.

Kể từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức cử lực lượng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và đây dần trở thành một lĩnh vực hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng đối với Việt  Nam. Là kênh quan trọng để Việt Nam thực thi chính sách đối ngoại đa phương, mở rộng và khẳng định tính tích cực của Việt Nam trong việc đóng góp một cách thiết thực cho hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Theo VOV