Vừa đảm bảo chốt chặn, vừa tăng gia sản xuất

09:01 - 17/05/2021

Ngày nào cũng vậy, 24/24h các lực lượng ở chốt phòng dịch COVID-19 ở biên giới Việt - Lào đoạn qua tỉnh Quảng Trị phải cắt cử lực lượng tuần tra, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Giờ nghỉ vốn hiếm hoi, nhưng họ vẫn dành thời gian để nuôi đàn gà, trồng rau màu cải thiện bữa ăn.

 

Cán bộ chiến sĩ ở chốt phòng dịch COVID-19 số 44 tuần tra chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: Hưng Thơ
Cán bộ chiến sĩ ở chốt phòng dịch COVID-19 số 44 tuần tra chống xuất nhập cảnh trái phép. Ảnh: Hưng Thơ

“Đại đội” gà ở chốt số 44

Tối hôm trước, nguồn tin từ cơ quan chức năng nước bạn báo về, có nhóm đối tượng người Việt tìm cách vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam bằng đường sông SêPôn. Nhận tin, cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Thuận (Biên phòng Quảng Trị) tăng cường thêm lực lượng cho 15 chốt phòng dịch COVID-19 đang bám trụ trên tuyến biên giới dài hơn 13,2km.

Chốt số 44 ở thôn Long Thành (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lâu nay là điểm nóng, vì đoạn sông biên giới SêPôn cạn nước, nên từ đầu giờ tối các thành viên ở chốt đã chia nhau mật phục ở các vị trí có đường mòn, lối mở. Suốt đêm cho đến gần 5h sáng, khi nguồn tin báo lại các đối tượng từ bỏ ý định vượt biên, thì cán bộ, chiến sĩ ở chốt 44 mới thay nhau về nghỉ.

Chợp mắt một lát, 8h sáng thức dậy thì nắng đã gay gắt. Ở chốt 44 giờ này chỉ có 2 người trực, còn lại chia nhau bám biên.

Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - chốt trưởng số 44 lấy ít lúa, cầm cái còi nhựa đi ra sân. Giữa buổi, đàn gà đi ăn từ sớm, nhưng chỉ sau vài hồi còi, khoảng 50 con gà đã có mặt ở sân. Ở chốt, gà đẻ trứng nhiều, trung tá Tuấn Anh chỉ để vài con ấp, còn lại lấy trứng để cán bộ, chiến sĩ ở chốt bồi dưỡng thêm. “Đất ở khu vực này rất rộng, ở gần sông nên nuôi gà rất tốt. Tôi là chốt trưởng, phụ trách nuôi gà. Từ chục con nay đã thành đàn cả trăm con. Mấy anh em gọi vui là “đại đội” gà” - trung tá Tuấn Anh - cho biết.

Ở chốt số 44, không chỉ nuôi gà, mà rau củ rất nhiều loại. Nếu chốt trưởng phụ trách nuôi gà, thì đại úy Hồ Văn Phim phụ trách trồng trọt. Khoảnh đất ở trước chốt trước kia để hoang hóa, chỉ cỏ dại mọc. Từ lúc chốt phòng dịch dựng lên, đại úy Phim “đạo diễn” làm đất, làm hàng rào bao quanh rồi trồng đủ thứ cây. Từ ớt, cà, bí đỏ, bí đao, bầu, khoai lang, hành, ngò… không thiếu thứ gì.

Cuộc chiến còn dài, các chốt phòng dịch phải vững chãi

Tháng 2.2020, chốt phòng dịch số 44 nói trên được dựng tạm ở khu đất gần bờ sông Sê Pôn. Lúc đó, cán bộ chiến sĩ ở chốt nuôi 10 con gà, trồng ít rau củ xung quanh. Nhưng đến gần cuối năm thì xảy ra trận lũ, chốt bị nước lũ bao quanh, gà chết gần hết, rau củ thì trôi theo dòng nước. Chốt phải di chuyển đến địa điểm hiện tại, đến tháng 1.2021 thì Bộ Tư lệnh Biên phòng hỗ trợ lắp nhà bán kiên cố. Nhà bán kiến cố được lắp bằng tôn, có cách nhiệt, cơ bản có đủ tiện nghi, mưa gió thì an toàn.

“Ổn định nơi ăn chốn ở rồi thì triển khai tăng gia. Chủ trương cứ nơi nào có hoạt động đóng quân thì nơi đó có tăng gia sản xuất, nên 15/15 chốt phòng dịch của Đồn Biên phòng Thuận đã thực hiện tăng gia sản xuất rất nghiêm túc” - Đại úy Nguyễn Tuấn Anh - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thuận - cho biết.

Để hỗ trợ cho các chốt phòng dịch, ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết, Đồn Biên phòng Thuận còn gửi theo những túi hạt giống. Lính biên phòng vốn thạo việc, cứ có khoảnh đất trống là cuốc úp lên, khi đất ải thì gieo hạt. Gà thì lấy con giống ở đồn, hoặc chốt này có thì hỗ trợ cho chốt kia. Chúng tôi ghé chốt phòng dịch 44 thì tròn mắt vì đàn gà, vườn rau, đến chốt phòng dịch số 43 cũng ngạc nhiên không kém, vì nơi này còn nuôi thêm giống gà lạ siêu trứng, còn bữa ăn thì chắc chắn lúc nào cũng có rau củ tươi ngon vì họ trồng trọt chẳng thiếu thứ gì…

Đại tá Nguyễn Nam Trung - Chủ nhiệm Chính trị Biên phòng Quảng Trị - cho hay, xác định cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn lâu dài, nên các chốt phòng dịch của Biên phòng Quảng Trị đã nỗ lực để đảm bảo hậu cần tại chỗ. Trong số 86 chốt phòng dịch ở biên giới, chỉ 14 chốt không tăng gia sản xuất được vì điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt.

“Cùng với chế độ của quân đội, thì việc đảm bảo hậu cần tại chỗ ở các chốt phòng dịch COVID-19 nhằm cải thiện, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ ngày đêm bám chốt. Hiện, cơ bản các chốt tăng gia sản xuất đáp ứng được rau xanh” - đại tá Nguyễn Nam Trung cho biết.

HƯNG THƠ/ báo lao động