Vững bước trên con đường đổi mới.

20:32 - 25/01/2021

(TTV)- 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2021) , 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 – 2021), đ ất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử với sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt . Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: " Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay " . Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước có nhiều thay đổi, sức mạnh tổng hợp của quốc gia - dân tộc bao gồm sức mạnh vật chất và tinh thần, sức mạnh của truyền thống và hiện đại, sức mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại bắt nguồn từ sức mạnh của con người Việt Nam… không ngừng được nâng cao, thế và lực của đất nước được nâng lên một tầm cao mới.

Chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững và tăng cường, ngày càng phát huy tính ưu việt; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được giữ vững và phát huy. Từ một nước nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế  - xã hội lạc hậu, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, từ hơn 60% trước thời kỳ đổi mới, đến nay chỉ còn dưới 4%. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển bền vững, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (giai đoạn 1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%; thì  đến giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người được nâng lên. Nếu như năm 1989, quy mô nền kinh tế mới đạt 6,3 tỷ USD, thì đến năm 2020 ước đạt gần 268,4 tỷ USD, tăng gấp 43 lần. Năm 1985, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 159 USD, thì đến năm 2020 ước đạt gần 2.750 USD, tăng gấp 17 lần.

Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú, có chất lượng tốt hơn. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề được nâng lên; chỉ số phát triển con người (HDI) xếp thứ 116/189 quốc gia, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu của Việt Nam (chỉ số GII) liên tục được cải thiện, dẫn đầu trong nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, đường lối đổi mới và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Cùng với cả nước, Thanh Hoá cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Bước ra khỏi chiến tranh, bước vào công cuộc đổi mới, Thanh Hoá nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất cả nước. Nhưng bằng tất cả tinh thần và lực lượng, Đảng bộ, chính quyền đã lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, từng bước vượt qua gian khó, khôi phục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu...

Đến hôm nay, Thanh Hoá có thể tự hào với truyền thống của một vùng đất địa linh nhân kiệt, không chỉ là phên dậu, là hậu phương lớn của đất nước, mà còn là minh chứng cho sự vươn mình trỗi dậy với khát vọng mạnh mẽ về một sự phát triển thịnh vượng. Hiện nay, quy mô kinh tế của Thanh Hoá đã đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Trung bộ. Thu ngân sách nhà nước đứng thứ 11, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.

Với khát vọng bứt phá vươn lên, với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, Thanh Hóa đang được kỳ vọng trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước, là một cực tăng trưởng, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của đất nước; để sự giàu có của Thanh Hoá cũng chính là sự giàu có chung của đất nước; và để Thanh Hoá sẽ trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hoá.

Theo Thời sự tối 25/1/2021