WHO khuyến cáo không sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19

18:28 - 07/12/2021

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7/12 khuyến cáo không nên sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi Covid-19 trong phác đồ điều trị cho những người đang mắc bệnh, do huyết tương không cải thiện khả năng sống sót cũng như không làm giảm nhu cầu sử dụng máy thở.

 

Trước đó, nhiều giả thuyết được đặt ra cho rằng việc sử dụng huyết tương của những người đã hồi phục có chứa kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus, ngăn chặn những tổn thương về mô. Tuy nhiên, một số thử nghiệm đã chứng minh huyết tương ở những bệnh nhân đã hồi phục không cho thấy hiệu quả rõ ràng trong việc điều trị Covid-19. Gần đây, một thử nghiệm tại Mỹ đã bị tạm dừng vào tháng 3 sau khi phát hiện ra huyết tương không có khả năng giúp bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh thể nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến cáo phương pháp điều trị này tốn kém và mất nhiều thời gian để thực hiện.

Cũng liên quan tới vấn đề điều trị bệnh Covid-19, ngày 6/12, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cho phép sử dụng thuốc điều trị viêm khớp Tocilizumab do hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ sản xuất để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng cần nhập viện. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, hay còn gọi là hiện tượng cơn bão Cytokine khi virus xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, EMA khuyến nghị thuốc nên được sử dụng song song với thuốc giảm viêm Corticosteroid để loại bỏ nguy cơ “gia tăng tỷ lệ tử vong”.

Về tình hình dịch bệnh, nhiều nước tiếp tục chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Đến nay Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điểm sáng duy nhất về dịch bệnh trên thế giới trong 24 giờ qua là việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 6/12 tuyên bố nước này là một trong 5 quốc gia trên thế giới đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 ở cấp độ 1, nhờ sự nỗ lực và hợp tác chung của tất cả các bên.

Trong bối cảnh, sự xuất hiện của các biến thể virus mới, gồm Delta và gần nhất là Omicron, đang đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, một nghiên cứu ở Anh mới đây chỉ ra rằng, việc tiêm kết hợp mũi 1 là vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca và mũi 2 là vaccine của Moderna 9 tuần sau đó giúp tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn. Không có mối lo ngại nào về an toàn được ghi nhận liên quan đến cuộc thử nghiệm. Những phát hiện mới này sẽ mang lại hy vọng cho các nước nghèo và có thu nhập trung bình, cho phép họ triển khai tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau trong trường hợp nguồn cung thiếu thốn hoặc không ổn định.

Theo Bản tin 18h30/TTV