Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các hội nông dân

19:40 - 16/06/2019

(TTV) - Thực hiện Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh,những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các chương trình để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương và tỉnh, hội nông dân huyện Thường Xuân đã vận động gia đình hội viên có điều kiện về vốn, đất đai đối ứng xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn. Hội đứng ra đấu mối với các đơn vị liên kết cho các hộ sản xuất và đã xây dựng được 8 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, cho giá trị bình quân trên 200 triệu đồng/ ha/ năm.

Hội nông dân thành phố Thanh Hóa là đơn vị đi đầu trong việc triển khai xây dựng chuỗi mô hình kinh doanh thực phẩm an toàn. Từ đầu năm 2019 đến nay, hội đã xây dựng được 6 cửa hàng với các loại nông sản, thực phẩm được nhập từ các mô hình sản xuất an toàn của hội nông dân trong tỉnh.

Trên cơ sở điều kiện thực tế ở địa phương, các cấp hội nông dân đã chủ động lồng ghép các dự án, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để lựa chọn và xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn phù hợp. Đồng thời, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Việc triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững. Đây cũng là cơ sở để hội nông dân các cấp tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn gắn với chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Bản tin Thời sự tối TTV