Xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025

20:04 - 07/11/2019

(TTV) - Ngày 7/11, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, để nghe đề xuất xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025; dự thảo tờ trình về chủ đề, phương châm, hệ thống chỉ tiêu, chương trình trọng tâm, đột phá trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

 

Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện các Ban của Trung ương Đảng và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, tình hình thực tiễn của Thanh Hoá và để đảm bảo tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu của Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đó, mỗi cấp xây dựng 2 phương án: Phương án truyền thống và phương án rút gọn. Sau khi xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng, các đại biểu đều nghiêng về các phương án truyền thống. Theo phương án truyền thống, cấp tỉnh, xây dựng 26 chỉ tiêu, giảm 02 chỉ tiêu so với hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020, bổ sung 04 chỉ tiêu và không đưa vào báo cáo chính trị 06 chỉ tiêu; cấp huyện, xây dựng 24 chỉ tiêu, giảm 03 chỉ tiêu so với hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020, bổ sung 04 chỉ tiêu và không đưa vào báo cáo chính trị 07 chỉ tiêu; cấp xã, xây dựng 22 chỉ tiêu, giảm 04 chỉ tiêu so với hệ thống chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015 – 2020, bổ sung 02 chỉ tiêu và không đưa vào báo cáo chính trị 06 chỉ tiêu.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu chủ yếu phải tuân thủ các quy định quốc gia, có kỹ thuật, phương pháp chuẩn xác, dựa trên sự tính toán, phân tích, đánh giá số liệu thực tế để các chỉ tiêu mang tính tổng hợp, tính đại diện cho các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế; đảm bảo tính đồng bộ, có hệ thống từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã; đảm bảo tính khả thi cao, có khả năng lượng hoá và thuận lợi trong quá trình thu thập, tính toán số liệu kế hoạch, thống kê kết quả thực hiện, đảm bảo đầy đủ, chính xác. Đồng thời, phải đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong giai đoạn tới. Do vậy, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất chọn phương án truyền thống.

Theo đó, cấp tỉnh có 26 chỉ tiêu, trong đó, 11 chỉ tiêu về kinh tế gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP bình quân hàng năm; Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP; GRDP bình quân đầu người; Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội; Tổng số doanh nghiệp được thành lập mới; Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Sản lượng lương thực hàng năm giữ ở mức; Tổng giá trị xuất khẩu; Tỷ lệ đô thị hoá; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.

09 chỉ tiêu về văn hoá – xã hội gồm: Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên tổng dân số; Số bác sỹ/1 vạn dân; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

03 tiêu chí về môi trường gồm: Tỷ lệ che phủ rừng; Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó, nước sạch đạt; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý.

01 chỉ tiêu về an ninh trật tự là: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn an toàn về ann ninh trật tự.

02 tiêu chí về xây dựng Đảng gồm: Kết nạp đảng viên mới và Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Như vậy, có 04 chỉ tiêu bổ sung gồm: Số doanh nghiệp mới được thành lập; Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm và Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý.

06 chỉ tiêu vẫn theo dõi trên thực tế nhưng không đưa vào báo cáo chính trị gồm: Số giường bệnh/vạn dân; Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; Giải quyết việc làm mới; Tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch; Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn.

Cấp huyện có 27 chỉ tiêu gồm:  12 chỉ tiêu về kinh tế; 09 chỉ tiêu về văn hoá – xã hội, 03 chỉ tiêu về môi trường; 01 chỉ tiêu về an ninh trật tự và 02 chỉ tiêu về xây dựng Đảng.

 Cấp xã có 24 chỉ tiêu gồm: 10 chỉ tiêu về kinh tế; 08 chỉ tiêu về văn hoá – xã hội; 03 chỉ tiêu về môi trường, 01 chỉ tiêu về an ninh trật tự và 02 chỉ tiêu về xây dựng Đảng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo Văn phòng Tỉnh uỷ ra thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã cho ý kiến về chủ đề, phương châm hành động, hệ thống chỉ tiêu, các chương trình trọng tâm và các đột phá trong Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tiểu ban nội dung Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xây dựng các phương án về chủ đề, phương châm hành động, hệ thống chỉ tiêu và các đột phá để các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, lựa chọn. Riêng Chương trình trọng tâm, tiểu ban nội dung đề xuất 1 phương án do đã tiếp thu ý kiến của BTV Tỉnh uỷ tại kỳ họp trước.

Về chủ đề đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định: đây là định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hoá trong những năm tới nhằm tạo ra được sự phát triển nhanh và bền vững. Do đó, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất chủ đề đại hội là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 có một số ngành lĩnh vực dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về phương châm hành động, đồng chí yêu cầu Tiểu ban nội dung chọn 2 phương án gồm: Phương án 1: Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo- phát triển và phương án 2: Đoàn kết – trách nhiệm – sáng tạo – phát triển để xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó có kiến nghị lựa chọn phương án 1.

Về chương trình trọng tâm và các đột phá của nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thống nhất 5 chương trình do Tiểu ban nội dung đề xuất là: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2020 - 2025, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, giai đoạn 2020-2025; Chương trình phát triển du lịch, giai đoạn 2020 – 2025; Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục, y tế giai đoạn 2020 – 2025; Chương trình phát triển kinh tế -xã hội khu vực miền núi phía Tây của tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025, trọng tâm là: nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, thích ứng với điều kiện ở khu vực miền núi. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu xây dựng thêm Chương trình trọng tâm thứ 6 là: nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Đối với các đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhất trí 3 khâu đột phá là: đột phá về hạ tầng; đột phá về cải cách hành chính và đột phá về khoa học công nghệ.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã cho ý kiến về mẫu biểu tượng tỉnh Thanh Hoá một số nội dung quan trọng khác. Căn cứ kết quả tuyên truyền, giới thiệu và trưng cầu ý kiến nhân dân trong tỉnh đối với các mẫu biểu tượng tham gia cuộc thi sáng tác biểu tượng tỉnh Thanh Hóa, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, lựa chọn tác phẩm có mã số BT059 làm mẫu biểu tượng của tỉnh. Mẫu biểu tượng này được thiết kế theo hình tròn biểu trưng cho trống đồng, mặt trời, trái đất, thể hiện tính hoà nhập với cộng đồng các dân tộc trong nước và quốc tế, sự phát triển bền vững, trường tồn. Trung tâm biểu tượng là Thành Nhà Hồ, di sản văn hoá thế giới, tượng trưng cho những giá trị lịch sử văn hoá nguồn cội mãi trường tồn cùng năm tháng. Phía trên là hoa văn trống đồng của nền văn hoá Đông Sơn cách điệu biểu tượng cho truyền thống văn hoá lâu đời của người Việt Nam, nền văn minh Việt, mang tinh thần dân tộc, vươn cao, vươn xa và không ngừng toả sáng, là động lực tạo nên niềm tin lớn, sức mạnh lớn tiếp sức cho các thế hệ hôm nay và mai sau đem hết sức mình xây dựng quê hương Thanh Hoá ngày càng văn minh, giàu đẹp. Hình ảnh ngôi sao trên nền cờ đỏ biểu trưng sự toả sáng khí phách hào hùng của mảnh đất xứ Thanh anh hùng. Bao quanh là 2 cánh chim hạc nâng dòng chữ Thanh Hoá bay lên thể hiện khí thế đi lên trong thời đại mới, sự chuyển mình, bứt phá thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa tượng hình đôi bàn tay dựng xây, gìn giữ, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá, truyền thống, khát vọng vươn lên không ngừng, mở ra những vận hội mới, một tương lai tươi sáng, phồn vinh, thịnh vượng của tỉnh Thanh Hoá, xứng đáng là tỉnh kiểu mẫu, địa danh hội tụ, gặp gỡ, khám phá, đầu tư, hội nhập và phát triển bền vững. Logo có gam màu đỏ làm chủ đạo thể hiện màu cờ tổ quốc, tính mạnh mẽ, nhiệt huyết, lòng dũng cảm, năng động, đầy sức sống, màu của tinh thần sáng tạo, đổi mới và phát triển. Màu vàng thể hiện tương lai tươi sáng, ấm no, thịnh vượng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ thống nhất đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và yêu cầu chỉ đạo tác giả của mẫu biểu tượng được lựa chọn đăng ký bản quyền tác giả để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định.

Trong chương trình Ban Thường vụ tỉnh uỷ cũng đồng ý chủ trương xây dựng phòng truyền thống của Tỉnh uỷ Thanh Hoá, phòng truyền thống của các Ban Đảng và xem xét một số nội dung quan trọng khác.

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV