ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Không phải Trump, Thổ Nhĩ Kỳ mới là "cái gai" lớn nhất trong mắt NATO

Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành "cái gai trong mắt" NATO khi quốc gia này nhiều lần có những hành động khiến các nước thành viên đứng ngồi không yên.

03/12/2019 07:54

Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại London năm nay sẽ đánh dấu 70 năm liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới này hình thành và phát triển. Tuy nhiên, đằng sau những nụ cười và những cái bắt tay là những mối lo ngại sâu sắc về tương lai của NATO. Tổng thống Trump đã "đặt NATO trong tầm ngắm" khi gần đây cắt giảm đáng kể các khoản đóng góp tài chính cho liên minh quân sự này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì thậm chí còn tuyên bố rằng NATO đang "chết não".

Tuy nhiên, không phải Tổng thống Trump hay Tổng thống Pháp, thách thức nội tại lớn nhất của NATO chính là Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Không phải Trump, Thổ Nhĩ Kỳ mới là “cái gai” lớn nhất trong mắt NATO - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Từ “bảo bối chiến lược”...

Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất để thử sức mạnh của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mới sắm từ Nga, bất chấp việc S-400 không tương thích với phần cứng hệ thống của NATO. Ankara cũng đe dọa sẽ phủ quyết kế hoạch của NATO về tuyến phòng thủ ở Ba Lan và vùng Baltic trừ khi NATO ủng hộ chiến dịch của Ankara tại Syria nhằm chống lại Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).

Mặc dù YPG có vai trò quan trọng trong việc đánh bại IS ở Syria song Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng này có liên hệ với nhóm người Kurd nổi dậy đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ là Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là một "bức tường thành" của phương Tây nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Liên Xô. Vị trí địa chiến lược, lực lượng quân đội lớn và chính sách ngả về phương Tây từng khiến Ankara trở thành một “bảo bối” chiến lược của NATO.

Tuy nhiên, ngày nay, mối quan tâm về an ninh quan trọng của NATO là khả năng tham chiến của Nga, sự phổ biến của các vũ khí hàng loạt, an ninh suy giảm ở Trung Đông và các mối đe dọa về người nhập cư và khủng bố. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì góp phần giải quyết những thách thức của liên minh, dường như lại đang trở thành mối đe dọa lớn nhất của NATO.

... thành “cái gai trong mắt” NATO

Thổ Nhĩ Kỳ "hâm nóng" quan hệ với Nga trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các thương vụ mua bán vũ khí và vấn đề Syria. Ankara bỏ qua mọi lời cảnh báo và thậm chí là đe dọa từ Mỹ để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã cùng Nga thiết lập một thỏa thuận nhằm dàn xếp tình hình ở Syria sau nhiều năm nội chiến. Chưa hết, Ankara còn đe dọa sẽ "mở cửa" biên giới để hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria tràn sang châu Âu nếu các nước châu Âu không đồng ý với sự dàn xếp của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia Trung Đông này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng tuyên bố rằng việc Ankara không thể sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình là điều không thể chấp nhận được.

Đầu tháng 11/2019, Tổng thống Macron đã chỉ trích NATO không có khả năng thiết lập một chính sách đạt được sự nhất trí chung, đồng thời miêu tả tình trạng của tổ chức này là đang "chết não" bởi thiếu sự hợp tác chiến lược giữa các nước thành viên, đặc biệt là giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Phản hồi lại, Tổng thống Erdogan  chỉ trích quan điểm của ông Macron cho thấy sự hiểu biết “nông cạn” của nhà lãnh đạo Pháp, và rằng chính ông Macron mới là người cần phải xem lại tình trạng “chết não” của mình trước khi phát biểu về NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng yêu cầu tất cả các nước NATO hãy ủng hộ chiến dịch của Ankara ở Syria và kêu gọi NATO công nhận lực lượng người Kurd tại quốc gia Trung Đông này là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, điều này chắc chắn không xảy ra bởi Mỹ vẫn còn khoảng 1.000 quân ở Syria và đã nối lại hợp tác với lực lượng người Kurd. Washington sẽ không đời nào biến đồng minh này tại Syria thành những kẻ khủng bố và các thành viên châu Âu trong NATO cũng vậy. Điều này không chỉ bởi các nước châu Âu có cùng quan điểm với Mỹ trong vấn đề người Kurd mà còn bởi họ muốn cảnh cáo Tổng thống Erdogan khi nhà lãnh đạo này "bỏ ngoài tai" yêu cầu của NATO và mua hệ thống S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đang dùng quyền lợi của mình trong NATO để chống lại châu Âu khi cố gắng ngăn cản, hoặc ít nhất là trì hoãn việc thiết lập một chính sách phòng thủ chung của NATO tại Ba Lan - một trong những vấn đề quan trọng được thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này ở London và đòi hỏi sự nhất trí của tất cả thành viên trong NATO.

Nhà lãnh đạo Erdogan tuyên bố rằng nếu châu Âu muốn tự bảo vệ mình khỏi mối đe dọa từ Nga thì hãy hiểu và giúp Thổ Nhĩ Kỳ chống lại mối đe dọa từ người Kurd và nếu các nước NATO có ngân sách để nâng cấp hệ thống phòng thủ trước vũ khí của Nga thì họ cũng nên trả chi phí để duy trì cho những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang có một vị thế không hề tệ khi vừa có mối quan hệ với hầu hết các nước phương Tây, đồng thời là quốc gia có tiếng nói đáng kể trong thế giới Arab.

NATO "bó tay" trước thách thức từ Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ dường như ngày càng giống trở ngại cho NATO hơn là "bảo bối" chiến lược của liên minh này, liệu NATO có thể làm gì với "cái gai trong mắt" khó nhổ bỏ này?

Thực tế thì không hề có cơ chế hay trường hợp tiền lệ nào về việc trục xuất một thành viên NATO.

Một khả năng có thể xảy ra là sửa đổi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nhằm cho phép trừng phạt hoặc trục xuất một nước thành viên. Tuy nhiên, điều này không thể thành công được bởi đề xuất này để được thông qua thì cần phải có sự nhất trí hoàn toàn từ các quốc gia gia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phủ quyết để nó trở nên vô hiệu. Các nước NATO khác cũng có khả năng không tán thành đề xuất sửa đổi này bởi một ngày nào đó, họ có thể sẽ trở thành đối tượng bị trừng phạt.

Một phương án khác là NATO sẽ áp dụng chiến lược chờ đợi với kỳ vọng ông Erdogan sẽ thua trong kỳ bầu cử sau. Trong lúc đó, một số thỏa thuận trao đổi có thể được tiến hành. Ankara ủng hộ kế hoạch quốc phòng của NATO đối với Ba Lan và vùng Baltic nhằm đổi lại sự ủng hộ giới hạn về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Tuy nhiên, kỳ bầu cử Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được lên kế hoạch cho tới 4 năm nữa và không có gì đảm bảo là Tổng thống Erdogan sẽ thua bầu cử. Bất chấp việc nền kinh tế lao dốc, ông Erdogan vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ cao và vẫn nắm giữ hầu như mọi quyền lực trong nước. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt là đi ngược với tinh thần của liên minh và các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không phải điều gì đó NATO có thể đem ra trao đổi.

Lựa chọn tốt nhất với NATO là để Thổ Nhĩ Kỳ thấy rằng không có liên minh này, Ankara sẽ trở nên suy yếu. Điều khoản 4 và 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ một "chiếc ô an ninh" chưa từng có tiền lệ. Điều 4 kêu gọi các nước thành viên "tham vấn" lẫn nhau bất cứ khi nào lãnh thổ hoặc an ninh của họ bị đe dọa, trong khi điều 5 khẳng định một cuộc tấn công chống lại một quốc gia là cuộc tấn công chống lại tất cả các nước trong liên minh.

Trong khi nhờ có NATO mà an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ được củng cố thì liên minh quân sự này cũng phải dựa vào vị trí và tầm ảnh hưởng chiến lược của Ankara để thực hiện các kế hoạch phòng thủ của mình. Không phải trừng phạt, hay đe dọa, việc hiểu được 2 bên cần nhau như thế nào chính là cách tháo gỡ hiệu quả nhất những căng thẳng hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO.

Theo Kiều Anh

VOV.VN


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

WB kêu gọi G20 xem xét lại cơ chế giảm nợ

WB kêu gọi G20 xem xét lại cơ chế giảm nợ

18:23 , 22/04/2024

Trong bối cảnh các tổ chức kinh tế thế giới đang tiếp tục hỗ trợ các thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn trong việc giải quyết mức nợ ngày càng tăng, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Indermit Gill vừa nhận định, cơ chế giảm nợ cho các nước nghèo nhất trên thế giới hiện nay không khả thi và cần phải xem xét lại trong khi triển vọng kinh tế thế giới trong những năm gần đây không mấy khả quan.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Trung Quốc mong muốn quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Mỹ

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Trung Quốc mong muốn quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững với Mỹ

18:21 , 22/04/2024

Ngày 21/4, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong đã lên tiếng kêu gọi 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ cùng phối hợp để cải thiện quan hệ -mặc dù vẫn còn vô số vướng mắc trong nhiều vấn đề.

Israel phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ

Israel phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ

18:20 , 22/04/2024

Ngày 21/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh ông sẽ đấu tranh chống lại các biện pháp trừng phạt áp đặt lên bất kỳ đơn vị quân đội nào của Israel vì bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, sau khi truyền thông đưa tin về việc Washington có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 36 nghi can hoạt động cho IS

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 36 nghi can hoạt động cho IS

18:18 , 22/04/2024

Các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt giữ 36 người tình nghi có liên quan đến tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo "(IS) tự xưng. Các hoạt động truy bắt được tiến hành tai 4 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàn Quốc: Chính phủ và các bác sĩ bế tắc về hạn ngạch của trường y

Hàn Quốc: Chính phủ và các bác sĩ bế tắc về hạn ngạch của trường y

18:17 , 22/04/2024

Cộng đồng y tế và chính phủ Hàn Quốc một lần nữa lại rơi vào bế tắc, bất chấp những nỗ lực của chính phủ -nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận, và cho phép một số linh hoạt trong quyết định tăng chỉ tiêu của trường y- khi ngày 21/4, hiệu trưởng các trường y trên toàn Hàn Quốc đã kêu gọi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol không tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y cho năm tới, và cần thảo luận về việc tăng chỉ tiêu trong tương lai với cộng đồng y tế thông qua một cơ quan tư vấn chung.

Căn cứ của Mỹ ở Syria bị tấn công bằng tên lửa

Căn cứ của Mỹ ở Syria bị tấn công bằng tên lửa

18:00 , 22/04/2024

Ngày 21/4, truyền thông khu vực dẫn nguồn tin an ninh Iraq cho biết, 5 quả tên lửa đã được phóng vào tối cùng ngày từ Iraq hướng tới một căn cứ quân sự của Mỹ ở nước láng giềng Syria. Hiện con số thương vong vẫn chưa được xác minh.

Ấn Độ chuyển giao tên lửa hành trình siêu âm tầm xa BrahMos cho Philippines

Ấn Độ chuyển giao tên lửa hành trình siêu âm tầm xa BrahMos cho Philippines

11:11 , 21/04/2024

Ấn Độ ngày 19/4 đã chuyển giao tên lửa hành trình siêu âm tầm xa BrahMos cho Philippines, một phần của thỏa thuận liên chính phủ trị giá 375 triệu USD được ký năm 2022. BrahMos được đánh giá là một vũ khí chống lại tàu chiến của đối phương với năng lực chiến đấu cao.

Apple gỡ bỏ 2 ứng dụng của Meta khỏi App Store tại Trung Quốc

Apple gỡ bỏ 2 ứng dụng của Meta khỏi App Store tại Trung Quốc

11:09 , 21/04/2024

Truyền thông Mỹ ngày 19/4 đưa tin Apple đã gỡ bỏ hai ứng dụng nhắn tin phổ biến WhatsApp và Threads, cùng thuộc sở hữu của Meta, khỏi cửa hàng ứng dụng App Store ở Trung Quốc sau khi được chính phủ nước này yêu cầu. Lý do được đưa ra là do lo ngại về an ninh quốc gia.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024

11:08 , 21/04/2024

Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Alfred Kammer ngày 19/4 cho biết IMF ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh mẽ của nền kinh tế Nga.

Liên Hợp Quốc sẽ hợp tác với Mỹ vận chuyển viện trợ vào Gaza

Liên Hợp Quốc sẽ hợp tác với Mỹ vận chuyển viện trợ vào Gaza

11:07 , 21/04/2024

Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ngày 19/4 cho biết Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) đã đồng ý hợp tác cung cấp viện trợ nhân đạo bằng đường biển cho người dân thường tại Gaza.