ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

London "chống lưng" Ankara giữa lúc căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp leo thang

Trong bối cảnh căng thẳng địa-chính trị Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp leo thang, Washington đứng về phía Athens, "bật đèn xanh" cho Hy Lạp sở hữu F-35, Anh lại "chống lưng" Thổ Nhĩ Kỳ trong việc theo đuổi phát triển máy bay chiến đấu TF-X thế hệ thứ 5 của nước này

15/01/2021 10:14

TF-X - tiêm kích cơ thế hệ 5 Thổ Nhĩ Kỳ

TF-X (Turkish Fighter-Experimental) là mẫu máy bay thế hệ thứ năm với khả năng chiếm ưu thế trên không và tấn công mặt đất bổ sung, được Tập đoàn Turkish Aerospace Industries (TAI) của Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác của BAE Systems (Anh) bắt đầu phát triển từ năm 2010 cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và phục vụ mục đích xuất khẩu. Có thể được chi tới 33 tỷ USD cho việc phát triển, chiến cơ tàng hình hai động cơ một chỗ ngồi này có chiều dài khoảng 19m, sải cánh 12m, trần bay tối đa 16km, vận tốc Mach 2, tải trọng cất cánh 27 tấn, bán kính chiến đấu 1.300km, có thể tương tác với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Dòng máy bay mới này sẽ thay thế giàn máy bay chiến đấu gồm khoảng 40 chiếc F-4 và 240 chiếc F-16 C/D "Viper" được lắp ráp tại Thổ Nhĩ Kỳ theo giấy phép Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ).

TF-X được dự kiến ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2023), chuyến bay đầu tiên sẽ được tiến hành vào năm 2025, đưa vào trang bị năm 2028, từ năm 2032 - sản xuất đại trà; sẽ có 250 chiếc trong trang bị; phục vụ trong lực lượng không quân của nước này ít nhất đến năm 2060-2070. Ban đầu, đã có các cuộc đàm phán với Hàn Quốc để hợp nhất dự án với chương trình máy bay chiến đấu KF-X của Hàn Quốc đang thực hiện cùng Indonesia. Nhưng các quốc gia có nhu cầu và ưu tiên quốc phòng khác nhau, ảnh hưởng đến thiết kế. Việc có một phi công duy nhất, giúp tiết kiệm không gian để tích hợp cho máy bay nhiều công nghệ hơn với tính năng tự động hóa cao, cho phép phi công tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu, thay vì điều khiển máy bay.

Thiết bị điện tử hàng không tiên tiến trên máy bay sẽ gồm nhiều màn hình, giao diện đồ họa, hệ thống dữ liệu môi trường, bản đồ kỹ thuật số và các thiết bị liên lạc cao cấp. Các tính năng khác như nhận dạng giọng nói, hệ thống âm thanh chất lượng cao và tầm nhìn tổng hợp cũng sẽ được cài đặt trong buồng lái thông minh. Máy bay sẽ trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (Active Electronically Scanned Arrays - AESA) do Tập đoàn ASELSAN cung cấp. Radar AESA kết hợp với thân máy bay tàng hình sẽ đảm bảo khả năng tàng hình cao. Nó cũng có thể có các tính năng như hợp nhất cảm biến, cải thiện nhận thức tình huống, hệ thống nhận dạng bạn-thù (identification friens or foe - IFF), khoang chứa vũ khí bên trong thân và khả năng cơ động cao.

Bên cạnh hợp tác với các gã khổng lồ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ - BAE Systems - về tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật chi tiết, Saab (Thụy Điển) - về thiết kế ý tưởng, Dassault Systems (Pháp) - về hỗ trợ phần mềm, Ankara dự định sẽ tự thiết kế động cơ, cũng như phát triển vũ khí cho TF-X và kỳ vọng nhờ công nghệ Mỹ, Anh để rút ngắn thời gian phát triển. Rocketsan - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển các mẫu tên lửa tấn công cho TF-X. Công ty này đã sản xuất tên lửa siêu thanh ngoài tầm nhìn (Stand-off Missile - SOM), đang sản xuất SOM-J cho F-35 nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình, nên tên lửa sẽ được tích hợp cho TF-X.

Với tốc độ Mach 5, SOM có thể xác định vị trí và theo dõi mục tiêu độc lập, cơ động ở độ cao thấp để lẫn tránh hệ thống phòng không của đối phương trước khi bất ngờ tấn công mục tiêu; tầm bắn hiện tại 250km có thể nâng lên 1.500km sau khi được cải tiến. BAE Systems - Tập đoàn đang thực hiện dự án máy bay chiến đấu Tempest thế hệ thứ sáu của Anh và hợp tác với TAI phát triển TF-X - khẳng định, máy bay này có thể được trang bị tên lửa tầm xa không đối không Meteor do hãng MBDA của châu Âu chế tạo và sẽ là “tiêm kích tốt nhất châu Âu”. Dù vẫn giữ kín các tính năng kỹ chiến thuật của TF-X, quốc gia Hồi giáo này khẳng định nó sẽ không hề thua kém F-35.

Tổng cộng 400 chiếc TF-X đã được đặt hàng, tờ Yeni Şafak cho biết vào cuối năm 2019. Các đối tác hoặc khách hàng tiềm năng của tiêm kích TF-X bao gồm Bangladesh, Pakistan, Indonesia và Kazakhstan. Với máy bay tiên tiến sản xuất nội địa, Ankara sẽ kiếm được lợi nhuận nhờ xuất khẩu, đồng thời củng cố an ninh quốc gia thông qua chuỗi cung ứng không thể bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt… Ankara muốn sử dụng General Electric F110 của Mỹ cho chiếc máy bay TF-X đầu tiên trước khi tự sản suất động cơ nội địa, tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp khó khăn sau quyết định của Mỹ trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Anh “chống lưng” Thổ Nhĩ Kỳ

Năm 2017, Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 139 triệu USD giúp phát triển TF-X. Cùng năm, Tập đoàn Kale của Thổ Nhĩ Kỳ và Rolls-Royce của Anh cũng đã đồng ý thành lập một liên doanh (51 và 49%) để khám phá các cơ hội trên thị trường động cơ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Liên doanh đã đề xuất một giải pháp động cơ máy bay chiến đấu cho chương trình TF-X vào năm 2018. Tuy nhiên, Rolls-Royce đã đưa ra tín hiệu sẽ rút khỏi cuộc cạnh tranh động cơ máy bay chiến đấu vì bất đồng quan điểm với Kale Group. Công ty của Anh đã phản đối cuộc đấu thầu liên quan đến một công ty Qatar-Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án động cơ.

Các sự kiện gần đây cho thấy, với Ankara có thể phát sinh những bất đồng với các đối tác nước ngoài, không chỉ trong việc cùng hợp tác phát triển dự án quốc phòng, mà còn về cung cấp vũ khí. Để ngăn cản thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Washington đã sử dụng nhiều biện pháp hòng giữ Ankara trong quỹ đạo kiềm tỏa của mình, đe dọa ngừng chuyển giao 100 chiếc F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và ngưng hợp tác với Ankara phát triển chiến đấu cơ TF-X. Về phần mình, chính quyền Erdogan cũng tỏ ra rất cứng rắn, tuyên bố Ankara đã chuẩn bị sẵn cho các phương án B, C, D để trang bị tiêm kích thế hệ năm trong tương lai, chứng minh sự độc lập của mình trong sản xuất vũ khí.

Tình hình phía đông Địa Trung Hải trở nên căng thẳng liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tranh chấp quyền thăm dò khoáng sản tại các khu vực biển chưa được phân định và ranh giới hàng hải. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 12/2020, các nước thành viên EU nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân và công ty liên quan đến cuộc khảo sát địa chất của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù đều là thành viên của liên minh NATO, hai quốc gia không ngừng tranh cãi về các vấn đề quân sự, các cuộc xung đột có thể vượt ra ngoài khuôn khổ các tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự, Athens đang có kế hoạch mua gấp 18 máy bay Rafales (trong đó có 12 chiếc đã qua sử dụng, tổng giá trị ước tính là 2,32 tỷ euro) của Pháp và hoàn thành các thỏa thuận mua máy bay trực thăng Seahawk từ Mỹ. Ngoài ra, Washington cũng được là đã cho bật đèn xanh cho Athens sở hữu tàng hình cơ thế hệ thứ năm F-35 - điều mà nếu thành hiện thực, sẽ là “xát muối vào vết thương” của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau Brexit, Anh đang tìm cách khẳng định vai trò của mình trong các vấn đề thế giới. Hiện nước này đang hỗ trợ các nỗ lực của Ankara trong việc chế tạo máy bay chiến đấu TF-X, loại máy bay có khả năng gây ra mối đe dọa không nhỏ cho nước láng giềng Địa Trung Hải là Hy Lạp.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Anh được cho là đã đạt được thỏa thuận để tiến hành nhanh chóng dự án máy bay chiến đấu TF-X. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với truyền thông nước này rằng, các chính phủ đã đồng ý đẩy nhanh sự hợp tác của họ trong việc phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu. Nỗ lực đẩy nhanh sự hợp tác diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có những bất đồng với Mỹ về việc mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga leo thang hơn nữa sau khi một ủy ban Thượng viện Mỹ ủng hộ tìm kiếm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ankara liên quan đến thương vụ S-400 và các hoạt động quân sự của nước này ở Syria.

Theo trang web Pentapostagma của Hy Lạp, Chilcott - Đại sứ Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ - đã xác nhận rằng, đối tác chính của chương trình máy bay chiến đấu, BAE Systems rất hài lòng về mọi việc đang diễn ra trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu. Chilcott hy vọng Rolls Royce - công ty cung cấp động cơ cho máy bay chiến đấu Tempest thế hệ thứ sáu của Anh - sẽ làm điều tương tự với máy bay chiến đấu TF-X của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, theo ông, chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc ai sẽ thiết kế động cơ cho TF-X, rằng giai đoạn hai của chương trình sẽ liên quan đến việc sản xuất nguyên mẫu theo thỏa thuận gần đây giữa hai quốc gia, có thể sẽ bắt đầu vào cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022.

Theo CTV Lê Ngọc/VOV.VN

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Hàn Quốc phóng vệ tinh nano đầu tiên lên quỹ đạo Trái Đất

Hàn Quốc phóng vệ tinh nano đầu tiên lên quỹ đạo Trái Đất

23:12 , 24/04/2024

Ngày 24/4, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc cho biết, một vệ tinh nano của Hàn Quốc đã được phóng lên quỹ đạo Trái Đất trong dự án quốc gia nhằm tạo ra một chòm sao vệ tinh vào năm 2027.

Dự luật cấm TikTok được thông qua ở cả hai viện Quốc hội Mỹ

Dự luật cấm TikTok được thông qua ở cả hai viện Quốc hội Mỹ

23:11 , 24/04/2024

ByteDance, công ty công nghệ Trung Quốc đang sở hữu Tiktok, sẽ buộc phải thoái vốn của nền tảng video này tại Mỹ trong vòng khoảng 9 tháng, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm hoạt động. Quy định này được nêu trong một dự luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào cuối ngày 23/4, với tỷ lệ ủng hộ có chênh lệch lớn 79 phiếu ủng hộ /18 phiếu chống.

Hàn Quốc: Các giáo sư y khoa bắt đầu giảm giờ làm việc

Hàn Quốc: Các giáo sư y khoa bắt đầu giảm giờ làm việc

20:03 , 24/04/2024

Các giáo sư y khoa tại các bệnh viện lớn ở Hàn Quốc sẽ từ chức từ vào cuối tuần này và bắt đầu áp dụng việc nghỉ việc 1 ngày/tuần bắt đầu từ ngày 3/5. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp chiều 23/4 của Ủy ban đại diện cho các giáo sư từ 20 trường y trên toàn quốc, bao gồm Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Đại học Yonsei và Đại học Ulsan.

Xét xử tranh chấp giữa Moderna và Pfizer về bằng sáng chế vaccine COVID-19

Xét xử tranh chấp giữa Moderna và Pfizer về bằng sáng chế vaccine COVID-19

20:02 , 24/04/2024

Ngày 23/4, Tòa án cấp cao tại London (Anh) bắt đầu xét xử tranh chấp giữa các hãng dược Pfizer/BioNTech với Moderna liên quan bằng sáng chế công nghệ vaccine phòng COVID-19 vốn đã giúp cứu mạng vô số người trong đại dịch.

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và một số nước khác

Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và một số nước khác

20:01 , 24/04/2024

Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.

Thủ tướng Kishida gửi lễ tới đền Yasukuni ở Tokyo, Hàn Trung phản đối

Thủ tướng Kishida gửi lễ tới đền Yasukuni ở Tokyo, Hàn Trung phản đối

23:22 , 22/04/2024

Ngày 21/4, Hàn Quốc và Trung Quốc ra tuyên bố phản đối việc Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gửi lễ vật thờ cúng tới Đền Yasukuni ở Tokyo, địa danh mà Trung Quốc và Hàn Quốc cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ.

Trung Quốc - Campuchia tăng cường hợp tác

Trung Quốc - Campuchia tăng cường hợp tác

23:21 , 22/04/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, ngày 21/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Sok Chenda Sophea tại Phnom Penh. Campuchia là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du ba chặng của ông Vương tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau các chuyến thăm trước đó tới Indonesia và Papua New Guinea.

Philippines, Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan

Philippines, Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Balikatan

23:19 , 22/04/2024

Ngày 22/4, khoảng 11.000 binh sĩ Mỹ và 5.000 lính Philippines bắt đầu bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên Balikatan (Vai kề vai). Mặc dù số lượng binh lính tham gia ít hơn năm ngoái nhưng Balikatan 2024 được đánh giá mở rộng và phát triển hơn, với sự tham gia của nhiều quốc gia và lực lượng an ninh địa phương với tư cách quan sát viên.

Lãnh đạo tối cao Iran lên tiếng sau đợt tấn công Israel

Lãnh đạo tối cao Iran lên tiếng sau đợt tấn công Israel

20:17 , 22/04/2024

Hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA đưa tin, ngày 21/4, Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã cảm ơn các lực lượng vũ trang nước này vì chiến dịch chống lại Israel vào ngày 13/4, và kêu gọi họ "không ngừng theo đuổi đổi mới quân sự và học hỏi chiến thuật của kẻ thù". Đây là bình luận đầu tiên của ông Khamenei về cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran vào Israel mới đây

Israel đánh bom thành phố Rafah khiến 22 người thiệt mạng

Israel đánh bom thành phố Rafah khiến 22 người thiệt mạng

20:16 , 22/04/2024

Ngày 22/4, hãng tin Euronews dẫn thông báo của giới chức y tế Dải Gaza xác nhận, ít nhất 22 người, trong đó có 18 em nhỏ, đã thiệt mạng trong một đợt không kích quy mô lớn do Israel tiến hành nhắm vào các mục tiêu ở thành phố Rafah phía Nam Dải Gaza.