ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Những "chiến sĩ" thầm lặng trong các cuộc mổ

Khi vào viện hay ra viện, người bệnh đều biết bác sĩ đã mổ cho mình là ai. Có người cả đời mang ơn bác sĩ mổ cho mình. Thế nhưng, đằng sau những ca mổ ấy luôn có sự tận tâm của bác sĩ gây mê hồi sức.

27/02/2020 09:07
 
Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ đang thực hiện gây mê cho bệnh nhân

 Một ngày cuối tháng 2, trời Cần Thơ nắng như đổ lửa nhưng bên trong khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nơi đây gần như không có khái niệm về thời gian là ngày hay đêm, nắng hay mưa. Trong phòng bệnh lúc nào điện cũng sáng trưng, phòng bệnh được vô trùng đến tuyệt đối, tiếng máy thở tí tách đều đều ở các giường bệnh, còn các y bác sĩ vẫn luôn tay chân và gần như không có giây phút nào được thảnh thơi.

10h30 sáng, một ca đau ruột thừa cần phẫu thuật gấp, nếu không kịp thời có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi bệnh nhân được đưa vào phòng gây mê, người nhà bệnh nhân vẫn cứ lấp ló ở cửa phòng bệnh như muốn gửi gắm một lời gì đó nhưng chưa kịp nói thì một điều dưỡng của khoa bước ra như trấn an. Bà yên tâm, các bác sĩ sẽ làm hết sức mình, hãy đợi ở ngoài khi phẫu thuật xong, người nhà sẽ được nhận tin sớm thôi.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trong suốt cuộc mổ, bác sĩ gây mê túc trực bệnh nhân, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn

10h 45 các bác sĩ hối hả chuẩn bị phòng mổ để kịp cho ca mổ cấp cứu. Người thì chuẩn bị giường mổ, người thì chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, người chuẩn bị thuốc để gây mê. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, các bác sĩ gây mê lập tức đến tiếp xúc bệnh nhân, nhận định, đánh giá một cách nhanh chóng nhưng rất đầy đủ.

Bệnh nhân được khai thác về bệnh sử, tiền sử về các bệnh lý và tiền sử dị ứng thuốc. Bệnh nhân được giải thích đầy đủ về quy trình. 10h55 cả êkip nhanh chóng tiến hành gây mê cho bệnh nhân. Bệnh nhân được truyền dịch, đặt nội khí quản và tiêm thuốc gây mê, giãn cơ…

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trong phòng Hồi sức các y, bác sĩ gần như không có một phút rảnh rỗi

11h10 bác sĩ gây mê lại nhận được tin báo từ khoa cấp cứu có một ca vết thương phức tạp ở bàn tay, các bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị phòng mổ mới để ca mổ có thể được diễn ra nhanh nhất. Bệnh nhân vào phòng với tâm trạng rất hoảng sợ vì mới bị máy cưa cắt lìa xương ở bàn tay trái. Mỗi người một việc, không cần ai bảo ai, cả ê kip làm việc rất nhịp nhàng. Máy siêu âm được đẩy vào phòng để thực hiện kỹ thuật gây tê đám rối cánh tay cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới nhằm gây tê chính xác và an toàn cho bệnh nhân. Trong cuộc phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và không hề đau đớn.

Trong khi đang mổ cấp cứu để cứu bàn tay cho bệnh nhân, ngay phòng bên cạnh đang chuẩn bị mổ lấy thai cho một sản phụ 20 tuổi. Bệnh nhân có chỉ định gây tê tủy sống ngay lập tức để phẫu thuật nhằm đảm bảo tính mạng cho mẹ lẫn con.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ gây mê đang theo dõi diễn tiến ca mổ

Theo quan sát của phóng viên, suốt các ca mổ, bác sĩ gây mê đứng sau màn xanh theo dõi tất cả các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Bất kỳ lúc nào có điều gì bất thường thì bác sĩ gây mê cũng là người đầu tiên điều chỉnh các sự cố. Trong ca mổ, khi thì bệnh nhân tụt huyết áp, khi huyết áp lại tăng cao, khi thì rối loạn đông máu, rối loạn hô hấp…Mỗi người sẽ có một tình trạng khác nhau và cách xử lý cũng khác nhau, không có một phác đồ chung cho tất cả mọi người. Nhưng người luôn chăm chú theo dõi, kịp thời điều chỉnh để giữ an toàn cho bệnh nhân luôn là các bác sĩ gây mê.

Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân có thể tỉnh dậy giữa ca phẫu thuật, thừa một chút thuốc có thể bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa. Trong cuộc mổ, bác sĩ gây mê phải phối hợp nhuần nhuyễn hàng loạt thuốc để bệnh nhân có cuộc mổ thuận lợi nhất. Sau khi kết thúc ca mổ, các bác sĩ phẫu thuật có thể nghỉ ngơi nhưng các bác sĩ gây mê hồi sức vẫn tiếp tục công việc của mình.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần thơ cho biết, Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kip gây mê là người đến phòng mổ sớm nhất và cũng là người về sau cùng

Bác sĩ Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc Phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Hầu hết sau các cuộc mổ, bệnh nhân thường biết đến bác sĩ phẫu thuật, ít ai biết được rằng người góp phần không hề nhỏ vào cuộc phẫu thuật đó là các bác sĩ gây mê hồi sức.

“Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê kip gây mê là người đến phòng mổ sớm nhất để chuẩn bị phòng mổ, tiếp cận bệnh nhân, chuẩn bị dụng cụ để tiến hành các bước khởi mê, tiền mê. Sau đó mới đến các bác sĩ phẫu thuật làm việc. Tùy vào thể trạng, bệnh lý cần phẫu thuật, bệnh nhân có bệnh nền hay không mà việc sử dụng các loại thuốc và liều lượng sẽ khác nhau ở mỗi bệnh nhân”, bác sĩ Phong cho biết.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 6
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ gây mê âm thầm làm các công việc của mình trong phòng mổ

“Có những bệnh nhân 1 - 2 giờ sau mổ có thể trở về trạng thái sinh lý bình thường nhưng cũng có những bệnh nhân sau mổ nằm đến 5-10 ngày mới tỉnh. Bác sĩ gây mê vừa là bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nội khoa và vừa là bác sĩ hồi sức”, bác sĩ Phong cho biết.

Thủ lĩnh ngành gây mê của ĐBSCL

Khi nhắc đến bác sĩ gây mê giỏi, tâm huyết với nghề gần như giới y khoa ĐBSCL đều biết, đó là bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Huỳnh Đào, trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bác sĩ Đào đã có 28 năm làm việc trong ngành gây mê hồi sức, đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân.

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 7
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Huỳnh Đào, trưởng khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ

Bác sĩ Đào cho biết,  ngay từ đầu bà đã xác định ngành gây mê là một ngành thầm lặng, nhiều áp lực nhưng bà lấy nhiệm vụ phục vụ sức khỏe nhân dân làm niềm vui. Bà luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã đem lại sức khỏe cho bệnh nhân. Bác sĩ gây mê là cánh tay phải của ngành ngoại khoa. “Bác sĩ gây mê phải cần cù, kiên nhẫn và thật nhiều đam mê, muốn mang hư danh thì không làm ngành gây mê được”, bác sĩ Đào nói.

Đối với bác sĩ Đào, bệnh viện là nhà. Hằng ngày, bác sĩ Đào vào bệnh viện từ 6h30 và ra khỏi bệnh viện lúc 6 giờ tối. Có ngày, có những ca diễn tiến phức tạp, bác sĩ rời bệnh viện khi trời đã khuya.

Khi được hỏi trong sự nghiệp làm nghề gây mê, ca bệnh nào để lại cảm xúc đặc biệt nhất, bác sĩ Đào cho biết: Năm 2007, khi sự cố sập nhịp dẫn cầu cần Thơ xảy ra cũng là ngày bệnh viện đang di dời nên cơ sở vật chất chưa đầy đủ. Trong khi đó, hàng loạt bệnh nhân được chuyển vào viện với tình trạng đa chấn thương, bất tỉnh. Trong đó có bệnh nhân Lê Hoàng Nam vào viện với tình trạng đa chấn thương, xương sườn gãy hàng loạt, tim phập phồng ngoài lồng ngực, phổi dập nát nằm ngoài lồng ngực,…Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào phòng mổ gây mê để mổ cấp cứu.

 

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 8
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bác sĩ Đào đang khám lại cho bệnh nhân

“Trong quá trình mổ, phổi bệnh nhân phải được tưới rửa nước muối sinh lý liên tục vì phổi dính đầy cát. Chưa hết, bệnh nhân ngưng tim hai lần, oxy máu tuột 100%,…Cả ê kip phải rất nỗ lực mới giúp bệnh nhân vượt qua ca mổ. Sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân hồi phục tốt và được ra viện. Có lẽ hình ảnh quả tim em ấy đập phập phồng ngoài lồng ngực vẫn cứ như in vào tâm trí của mình trong cuộc đời làm bác sĩ”, Bác sĩ Đào cho biết.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết thêm: Trong sự nghiệp làm nghề, bác sĩ Đào được rất nhiều giấy khen, bằng khen của bệnh viện, của Bộ Y tế. Năm 2017, bác sĩ Trần Huỳnh Đào được phong là thầy thuốc ưu tú. Năm 2019, bác sĩ Đào được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bộ Y tế. Ngoài làm công tác chuyên môn bác sĩ Đào còn làm tốt công tác Công đoàn của bệnh viện. Từ năm 2017 đến nay, bác sĩ Đào là Chủ tịch Công đoàn của bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ.

 

Những “chiến sĩ” thầm lặng trong các cuộc mổ - 9
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trong suốt cuộc mổ, công việc của bác sĩ gây mê hồi sức rất lớn, nhưng khi ra viện bệnh nhân thường chỉ biết tên bác sĩ đã phẫu thuật cho mình

“Nhiều năm qua, bác sĩ Đào là thủ lĩnh của ngành gây mê của ĐBSCL. Bác sĩ Đào là tấm gương sáng về chuẩn mực đạo đức, chuyên môn để nhiều đồng nghiệp, đàn em  noi theo. Trong giao tiếp ứng xử hằng ngày, bác sĩ Đào có thái độ nhẹ nhàng, chân thành với bệnh nhân. Với cương vị là lãnh đạo khoa, bác sĩ Đào rất coi trọng việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ trẻ nhằm xây dựng tập thể bệnh viện vững mạnh”, bác sĩ Phong cho biết.

Phạm Tâm/ Dân trí

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng

85% trẻ em Việt Nam bị sâu răng

07:05 , 25/03/2024

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện ở Việt Nam có hơn 85% trẻ em, 70% người trưởng thành mắc các bệnh lý răng miệng.

Đoàn Thanh niên Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa khám bệnh tình nguyện tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh

Đoàn Thanh niên Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa khám bệnh tình nguyện tại xã Yên Khương, huyện Lang Chánh

09:59 , 24/03/2024

Ngày 23/3, Đoàn Thanh niên Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Lang Chánh tổ chức chương trình khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí tại xã biên giới Yên Khương huyện Lang Chánh.

5 trường hợp được thanh toán trực tiếp bảo hiểm y tế

5 trường hợp được thanh toán trực tiếp bảo hiểm y tế

09:00 , 24/03/2024

Chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đang chủ yếu được thanh toán khi bệnh nhân hoàn thành đợt khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, hiện có 5 trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cụ thể như sau:

Thanh Hoá phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Thanh Hoá phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

18:05 , 22/03/2024

Bệnh lao hiện vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới, gây tử vong cao thứ hai sau COVID-19, trước cả bệnh HIV/AIDS. Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 năm nay có chủ đề “Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao” như một lời khẳng định mạnh mẽ rằng việc thanh toán bệnh lao là hoàn toàn có thể. Tại tỉnh Thanh Hoá, ngành y tế Thanh Hoá đang nỗ lực để chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

16:03 , 22/03/2024

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố. Để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan:

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá: Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá: Đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu xã hội

08:00 , 22/03/2024

Những năm qua, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hoá luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với nhu cầu về nhân lực của các cơ sở y tế. Tỷ lệ học sinh, sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo ngày càng được nâng cao.

Tăng cường phòng chống dịch ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine

Tăng cường phòng chống dịch ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine

07:20 , 22/03/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành về việc tăng cường phòng chống dịch ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.

Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh truyền  nhiễm

Gia tăng bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm

18:00 , 20/03/2024

Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, hơn 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm đang có xu hướng gia tăng.

Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư

Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư

09:54 , 20/03/2024

Với mục tiêu trở thành trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao về lĩnh vực ung bướu ở khu vực Bắc Trung bộ, Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Thanh Hóa đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, kéo dài sự sống cho người bệnh.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại

07:45 , 19/03/2024

Trước tình hình số người tử vong do bệnh Dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại tăng, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.