ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Triển lãm trực tuyến "Thanh Hóa xưa và nay"

Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu triển lãm trực tuyến: "Thanh Hóa xưa và nay" nhân dịp Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019).

05/05/2019 07:01

 

 

 

LỜI GIỚI THIỆU
 

Miền đất Thanh Hóa có từ lâu đời. Đồng hành cùng với lịch sử dân tộc, miền đất này trải qua các thời kỳ lịch sử với những tên gọi khác nhau: Bộ Cửu Chân (thời kỳ Vua Hùng lập nước Văn Lang); lộ/đạo Ái Châu (thời Đinh, Tiền Lê). Đến đời vua Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ hai (1029), trại Ái Châu được đổi thành phủ Thanh Hóa - Đơn vị hành chính trực thuộc trung ương. Thanh Hoá là tên gọi từ thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn và cho đến ngày nay.
Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa vinh dự và tự hào tổ chức kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019). Đây là mốc son, sự kiện trọng đại của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; tự hào về truyền thống vẻ vang của tỉnh; chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa tổ chức trưng bày Triển lãm “Thanh Hoá xưa và nay”.
Với gần 8.000 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được bố cục thành 4 phần:
Phần thứ 1: Thanh Hóa thời kỳ Tiền sử - Sơ sử.
Phần thứ 2: Thanh Hóa thời kỳ Phong kiến và thuộc địa nửa Phong kiến.
Phần thứ 3: Thanh Hóa thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Phần thứ 4: Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới.
Thông qua tư liệu, hiện vật, hình ảnh được trưng bày nhằm giới thiệu tới công chúng hiểu rõ hơn về miền đất, con người Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc; góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thanh Hóa đối với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Đây cũng là dịp để công chúng tiếp cận những cứ liệu lịch sử tin cậy về miền đất, con người Thanh Hóa, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ cha ông đã có công dựng nước và giữ nước; khơi dậy lòng tự hào của người dân Thanh Hóa đối với truyền thống, lịch sử cách mạng của quê hương; đóng góp công sức, trí tuệ, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa nhân lên niềm tự hào sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái lao động, học tập, công tác; chung sức đồng lòng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh, bền vững, ngày càng thịnh vượng, văn minh.
Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn các tập thể, cá nhân đã cung cấp tư liệu, hiện vật và tham gia để Triển lãm được tổ chức đúng vào dịp Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
                                                                                                                                                                    


 

TÊN GỌI VÙNG ĐẤT THANH HÓA QUA CÁC THỜI KỲ

 

Địa bàn Thanh Hóa thời Hùng Vương thuộc bộ Cửu Chân; nhà Tần thuộc Tượng Quận; nhà Hán đặt làm quận Cửu Chân; nhà Ngô chia thành hai quận Cửu Chân và Cửu Đức; nhà Tấn, nhà Tống giữ theo tên cũ như nhà Ngô. Đời Vũ Đế (502 - 549) nhà Lương tách phần phía bắc quận Cửu Chân để lập ra Ái Châu. Đến thời thuộc Tùy (589 - 617), Ái Châu lại thuộc về Cửu Chân. Nhà Đường (618 - 907) chia đặt làm hai quận Cửu Chân và Châu Ái.
Triều Đinh, Tiền Lê vẫn gọi là Ái Châu. Đến triều Lý, đời Lý Thái Tổ, vào năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) cho đổi 10 đạo trong cả nước làm 24 lộ, Hoan Châu và Ái Châu làm trại. Đến thời Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 2 (1029), đổi từ trại Ái Châu thành phủ Thanh Hóa. Nhà Trần, đời Thái Tông, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 6 (1252) lại đổi làm trại; đến đời Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong (1341 - 1357) lại đổi làm lộ, chia đặt làm ba phủ Thanh Hóa, Cửu Chân và Ái Châu. Cuối đời Trần, niên hiệu Quang Thái năm thứ 10 (1397), đặt làm trấn Thanh Đô, lấy ba phủ đó nhập vào trấn này. Đời Hồ, đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương, hợp với Cửu Chân và Ái Châu làm Tam phụ, gọi là Tây Đô.
Thời thuộc Minh (1414 - 1427), lại hợp làm phủ Thanh Hóa; đầu niên hiệu Thuận Thiên vua Lê Thái Tổ đổi phủ Thanh Hóa nhập vào đạo Hải Tây; niên hiệu Thiệu Bình năm thứ 2 (1435), vua Thái Tông lấy 6 phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia, Thanh Đô, Trường Yên, Thiên Quan nhập vào phủ Thanh Hóa; niên hiệu Quang Thuận năm thứ 7 (1466), vua Thánh Tông đặt làm Thanh Hoa thừa tuyên gồm 6 phủ, 22 huyện, 4 châu; đến đây tách hai phủ Trường Yên và Thiên Quan nhập vào Sơn Nam; đến niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 (1490) đổi làm Xứ; trong niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516), gọi là Trấn; thời Lê Trung Hưng (1583 - 1788), đặt làm Thanh Hóa nội trấn, hai phủ Trường Yên và Thiên Quan của trấn Sơn Nam Thượng nhập vào gọi là Thanh Hoa ngoại trấn; nhà Tây Sơn lấy Thanh Hoa ngoại trấn nhập vào Bắc Thành. Đầu niên hiệu Gia Long (1802 - 1819), vẫn gọi là trấn Thanh Hoa, lấy Thanh Hoa ngoại trấn nhập vào; niên hiệu Gia Long năm thứ 5 (1806), đổi Thanh Hoa ngoại trấn thành đạo Thanh Bình; niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), đặt riêng làm trấn Ninh Bình; niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 12 (1831), chia hạt lấy Thanh Hoa nội trấn đặt làm tỉnh Thanh Hoa, lấy Thanh Hoa ngoại trấn đặt làm tỉnh Ninh Bình; niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1843) cho đổi Thanh Hoa tỉnh thành Thanh Hóa tỉnh. Và tên gọi Thanh Hóa vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay.

 

 

Những phát hiện và nghiên cứu của khảo cổ học đến nay cho thấy, thời kỳ Tiền sử và Sơ sử xuất hiện trên đất Thanh Hóa cũng như thời kỳ Tiền sử - Sở sử của đất nước, bắt đầu từ thời đại Đồ đá đến thời đại Kim khí: Khởi đầu Văn hóa núi Đọ - thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ (cách ngày nay khoảng 30 – 40 vạn năm) đến Văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2.000 năm). Miền đất Thanh Hóa không chỉ lưu dấu thời kỳ Tiền sử - Sơ sử lâu dài, mà còn là nơi phát triển văn hóa có tính liên tục với những hiện vật có cơ sở khoa học nhất so với các địa phương trên cả nước.
Các dấu vết của người nguyên thủy sớm nhất, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1960 tại Núi Đọ (thuộc địa phận xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa và Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa ngày nay). Do những đặc trưng điển hình của hệ thống di tích này, các nhà khảo cổ đã định danh là Văn hóa núi Đọ. Văn hóa núi Đọ bao gồm các di chỉ sơ kỳ thời đại Đồ đá cũ: núi Đọ, núi Nuông, núi Quan Yên, núi Nổ (ở các huyện Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc).
Thuộc thời đại Đồ đá cũ ở Thanh Hóa còn có những phát hiện khảo cổ học rất quan trọng ở các di chỉ tiêu biểu như: hang Làng Tráng (xã Lâm Sa), Mái Đá Điều (xã Hạ Trung, huyện Bá Thước), tiếp đó là hàng Con Moong (xã Thành Yên, huyện Thạch Thành). Đặc biệt ở Con Moong, với tầng văn hóa dày lên trên 10m, có niên đại sớm nhất cách ngày nay khoảng 40.000 – 70.000 năm, nơi người nguyên thủy trên miền đất Thanh Hóa đã chống chọi, ứng phó với những biến đổi của khí hậu, thiên nhiên để cư trú liên tục hàng chục ngàn năm từ Hậu kỳ thời đại Đồ đá đến thời đại Đồ đá mới, từ Văn hóa Sơn Vi đến Văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn.
Tiếp sau Văn hóa Bắc Sơn, người nguyên thủy Thanh Hóa tiến xuống chiếm lĩnh vùng đồng bắng trước núi làm nên nền Văn hóa Đa Bút với hệ thống các di tích phát triển từ sớm đến muộn gồm Đa Bút (Vĩnh Lộc) – Cồn Cổ Ngựa (Hà Trung) – Gò Trũng (Hậu Lộc).
Tính liên tục của sự phát triển văn hóa còn được chứng minh qua các phát hiện khảo cổ học thuộc thời đại kim khí (giai đoạn từ Tiền Đông Sơn đến Văn hóa Đông Sơn), cũng thuộc thời Sơ sử ở Thanh Hóa. Với hơn 140 di tích thời đại Kim khí được phát hiện, nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, giai đoạn tiền Đông Sơn ở Thanh Hóa bao gồm hệ thống các di tích phát triển của 3 giai đoạn từ sớm đến muộn: Cồn Chân Tiên (Thiệu Hóa), Thẩm Hai, Thẩm Tiên (Thường Xuân) và Văn hóa Hoa Lộc (Hậu Lộc); Giai đoạn Đông Khối với các di chỉ: Bái Man, Cồn Cấu, Đông Ngầm (Đông Sơn), Đông Khối (thành phố Thanh Hóa) và giai đoạn Quỳ Chử (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa). Ba giai đoạn này tương ứng niện đại với các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đạu, Gò Mun ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1924, từ phát hiện tình cờ của một người dân làng Đông Sơn, các học giả phương Tây đã vô cùng ngỡ ngàng trước các di vật của một nền văn hóa riêng biệt, năm 1933 các nhà khoa học thống nhất đặt tên là Văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn được phân bố rộng khắp miền Bắc Việt Nam: Từ biên giới Việt – Trung đến Quảng Bình. Tại Thanh Hóa, Văn hóa Đông Sơn có mặt hầu khắp các địa bàn từ đồng bằng, trung du đến ven biển, với đủ các loại hình di chỉ.
Đến Văn hóa Đông Sơn, những cư dân Việt cổ của Bộ Cửu Chân (thuộc Văn hóa Tiền Đông Sơn ở Thanh Hóa) đã hòa cùng 15 bộ trong đất nước Văn Lang ở lưu vực sông Hồng, sông Cả (sông Lam) tạo nên bước ngoặt trong lịch sử dân tộc: Đánh dấu sự ra đời quốc gia Văn Lang của các vua Hùng – một quốc gia cổ rộng lớn, thống nhất.
Từ đây, bộ Cửu Chân (Thanh Hóa) trở thành một bộ phận quan trọng, khăng khít của nước Văn Lang, đồng hành cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.

 

 

 

 

Tiếp nối thời kỳ dựng nước đầu tiên của nước Văn Lang – Âu Lạc, miền đất Thanh bước vào thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc và xây dựng Quốc gia phong kiến độc lập tự chủ. Từ vị thế địa – chiến lược trọng yếu của đất nước, xứ Thanh đã từng giữ vai trò hậu phương vững chắc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương phía Nam, là căn cứ bảo toàn lực lượng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, phương Tây hay dấy binh khởi nghĩa giành lại nền độc lập dân tộc khi bị kẻ thù xâm chiếm. Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427), cuộc khởi nghĩa Ba Đình đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX diễn ra trên đất Thanh Hóa đã chứng minh điều đó.
Thanh Hóa là địa phương sản sinh ra nhiều vua chúa và là nơi phát tích của nhiều vương triều phong kiến nước ta. Dương Đình Nghệ ở Làng Giàng tiếp nối sự nghiện dừng nền tự chủ của họ Khúc, tạo tiền đề để Ngô Quyền hoàn thành công cuộc chống Bắc thuộc, giành độc lập dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Đây là quê hương của Lê Hoàn – người sáng lập ra Vương triều Tiền Lê (980 - 1009), quê hương của Hồ Quý Ly với Vương triều Hồ (1400 - 1407), là quê hương và nơi dấy binh của Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và sáng lập Vương triều Lê Sơ (1428 - 1527). Xứ Thanh cũng là nơi sinh ra hai dòng chúa Trịnh và chúa Nguyễn, có công xây dựng Đàng ngoài và mở cõi Đàng trong để Vương triều Nguyễn tiếp nối, hoàn thành sự nghiệp thống nhất quốc gia trên cơ sở thành quả của phong trào Tây Sơn để lại.
Trong lịch sử Thanh Hóa có ba lần giữ vị trí quốc đô của đất nước, đó là Kinh đô của nhà Hồ (1400 - 1407) - ngôi thành đá kỳ vĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Thời Lê sơ kinh đô đất nước Thăng Long, được đổi thành Đông Kinh, nhưng Lam Kinh với vai trò trung tâm văn hóa tâm linh, nơi lưu giữ lăng mộ các vua và hoàng hậu nhà Lê cùng các kiến trúc thờ tự mang giá trị nghệ thuật độc đáo. Thời Lê Trung Hưng, Vạn Lại, Yên Trường là kinh đô kháng chiến.
Đầu thế kỷ XX, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin soi rọi, với vai trò và sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Thanh Hóa đón nhận hai tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản là Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên cùng ra đời và hoạt động tạo tiền đề để ngày 29 tháng 7 năm 1930, Đảng bộ Đảng cộng sản Việt nam tỉnh Thanh Hóa thành lập. Từ đây, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Thanh Hóa có đội tiên phong của mình trực tiếp lãnh đạo, cùng cả nước hoàn thành vẻ vang cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cả nước xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Từ điều kiện tự nhiên, vị trí chiến lược và bối cảnh lịch sử, xứ Thanh trở thành một vùng địa linh nhân kiệt, sinh ra nhiều người con ưu tú, những anh hùng hào kiệt, nhiều hoàng đế anh minh, nhiều tướng lĩnh tài năng, nhiều danh nhân nổi tiếng góp phần làm rạng danh nền văn trị, võ công của dân tộc. Kho tàng di sản văn hóa phong phú đã kết tinh từ truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, cư dân suốt hàng ngàn năm lịch sử, mãi mãi là tài sản vô giá, niềm tự hào của người xứ Thanh trong trường kỳ lịch sử của dân tộc và muôn đời sau.

 

 

 

 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Thanh Hóa bước vào thời kỳ xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền. Các phong trào chống “giặc đói”, chống “giặc dốt” và chống “giặc ngoại xâm” được phát động rộng rãi trong toàn tỉnh. Do Thực dân Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vị cả nước. Hưởng ứng “lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 7 năm 1954, Thanh Hóa đã trở thành hậu phương lớn, tin cậy của cả nước, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ghi nhận thành tích của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, bác Hồ đã khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Sau hòa bình lập lại (1954), Thanh Hóa cùng cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc (1965 - 1975), Thanh Hóa vừa sản xuất, vừa chiến đầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến góp phần đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đảm bảo giao thông thông suốt mà Hàm Rồng và chiếc cầu sắt bắc qua sông Mã đã trở thành “huyền thoại” và thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam đã ngời sáng với những chiến công hiển hách: Nam Ngạn, Phà Ghép, Đò Lèn, Đảo Mê, Pha Ú Hò; chiến công của lão dân quân Hoàng Trường và dân quân gái Hoa Lộc, Thanh Thủy, Hoàng Hải… Trên các mặt trận: Quảng Trị, Tây Nguyên, chiến trường ở Trung Bộ, Nam Bộ, nước bạn Lào và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, người Xứ Thanh đều có mặt để góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Con em đồng bào các dân tộc Thanh Hóa tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc.
Sau khi Tổ quốc thống nhất, từ 1975 – 1985, Thanh Hóa lại tiếp tục sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội với quyết tâm cao nhất. Các phong trào đại công trường thủy nông Sông Lý, Sông Hoàng, Quảng Châu, công trình quai đê, lấn biển, phong trào Định Công Hóa trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong cả tỉnh và cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song toàn thể, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vẫn kiên định theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

 

Sau 33 năm đi vào công cuộc Đổi mới – Hội nhập và phát triển (1986 – 2019), với sự đoàn kết, quyết tâm cao độ và sự năng động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã từng bước vượt qua mọi khó khă, thách thức để liên tục gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả mọi lĩnh vực. Với tiềm năng, lợi thế vốn có, vận dụng và ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc; khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn; Cảng hàng không Thọ Xuân, quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn... đã mở ra thời cơ, vận hội mới, đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh có môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút các dự án lớn trong tốp đầu cả nước để phát triển.
Từ một tình có nhiều khó khăn, đến nay đời sống của nhân dân được nâng lên, nền kinh tế của tỉnh phát triển liên tục, năm sau cao hơn năm trước, nhất là những năm gần đây kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 15,16%, cao nhất từ trước đến nay và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 15,16%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (trước đó, năm 2010 đạt cao nhất là 13,7%), gấp 2,23 lần mức trung bình cả nước, thuộc nhóm tăng cao hàng đầu của cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD, tăng 287 USD so với năm 2017. Chính trị ổn định, văn hóa – xã hội có chuyển biến tiến bộ, quốc phòng – an ninh được đảm bảo, bộ mặt quê hương khởi sắc nhiều công trình dự án công nghiệp lớn đã được khởi công, lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, chuyển biến tích cực; thủ ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt 10 nghìn tỷ đồng; môi trường đầu tư kinh doanh thu hút được các dự án lớn đứng đầu cả nước, tầm cỡ khu vực, góp phần đưa các chỉ số như hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hội nhập kinh tế quốc tế (PEII) nằm trong tốp đầu cả nước; nhấn mạnh những thành tựu về khoa học công nghệ, thể thao thành tích cao và những chuyển biến bước đầu trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào về quê hương Thanh Hóa; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên ngày càng cao, tinh thần phục vụ nhân dân ngày càng tốt, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Giáo dục đào tạo phát triển hợp lý, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được đẩy mạnh. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực; Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội đối với phong trào đền ơn, đáp nghĩa, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai; Quốc phòng – An ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; cải cách tư pháp có chuyển biến tích cực; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng; vị thế của Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.
Thanh Hóa còn tự hào bởi một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, các di tích quốc gia đặc biệt: Lam Kinh, Đền Bà Triệu, Đền thờ Lê Hoàn, hang Con Moong; dân ca Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, Pồn Pôông... cùng hàng trăm lễ hội tiêu biểu như các lễ hội: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lam Kinh, đền Độc Cước... Phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thanh Hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào đối với người dân để phát triển du lịch.
Trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH – HĐH quê hương, đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII; hoàn thành mục tiếu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

 

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

[Longform] Nâng bước em tới trường

[Longform] Nâng bước em tới trường

12:06 , 02/03/2024

Trong những năm qua, với chương trình "Nâng bước em tới trường", cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã hỗ trợ, chia sẻ và tiếp thêm động lực cho hàng trăm học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, hình ảnh người chiến sĩ mang quân hàm xanh càng sâu đậm trong lòng dân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân anh hùng.

Về Như Thanh – ăn nem ống tre

Về Như Thanh – ăn nem ống tre

09:42 , 29/02/2024

Nem gì mà lại tròn tròn nằm gọn trong ống tre? Đó là một loại nem rất đặc biệt và cũng nổi tiếng của miền núi xứ Thanh. Nem ống tre – nem lợn mán – hay nem lợn cắp nách là những tên gọi khác nhau của món nem đặc sản này.

"Hương xuân vị Tết" của đồng bào Thái

"Hương xuân vị Tết" của đồng bào Thái

15:10 , 11/02/2024

Đối với đồng bào Thái ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, vào những ngày hội, ngày Tết hay khi đón khách quý đến thăm nhà, trên mâm cỗ bao giờ cũng có các món bánh truyền thống, như bánh chưng xanh, bánh ít trắng, bánh ít mật, và đặc biệt không thể thiếu món "kháu túm lém" (bánh chưng nhọn), "kháu túm nọi" (bánh chưng nhỏ). Đây là những loại bánh truyền thống của người Thái, nó không chỉ mang đậm hương vị bản xứ,mà còn gói cả đất trời và tình người sâu nặng nơi vùng cao xứ Thanh.

Làng hương Đông Khê – Nơi lưu giữ những mùa xuân

Làng hương Đông Khê – Nơi lưu giữ những mùa xuân

09:09 , 05/02/2024

Xuân đã gần chạm ngõ, Đông Khê - ngôi làng nhỏ yên bình ở xã Hoằng Quỳ, Huyện Hoằng Hóa dường như cũng rộn ràng, náo nức hơn. Ở đây có một làng nghề đã hơn trăm năm tuổi, là nơi gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Việt, đó là làng nghề làm hương truyền thống.

NÔNG CỐNG – TIỀM NĂNG ĐANG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

NÔNG CỐNG – TIỀM NĂNG ĐANG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC

12:11 , 20/01/2024

Nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, phụ cận vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nông Cống có những tiềm năng, lợi thế riêng khó có vùng đất nào có được. Nông Cống đang đứng trước thời cơ rất lớn để khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hương Bưởi gọi xuân về

Hương Bưởi gọi xuân về

08:09 , 14/01/2024

Với người Việt Nam, Tết nhất định phải có trái bưởi trên mâm ngũ quả. Vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, hương thơm của trái bưởi cùng cam, phật thủ, hương hoa, hương trầm hòa quyện chính là mùi hương báo hiệu mùa xuân chính thức đã về. Những ngày cuối đông này, dạo chơi trong vườn bưởi, Thanh Thư như cảm nhận thật rõ tiếng xôn xao của thời gian đang chầm chậm lướt qua….

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc

Thanh Hóa nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc

12:33 , 26/12/2023

3 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, về những bước phát triển đột phá, tầm nhìn chiến lược nhằm biến cơ chế đặc thù thành cơ chế vượt trội, đưa Thanh Hóa phát triển lên tầm cao mới...

Vị của biển

Vị của biển

09:45 , 25/12/2023

Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, được thiên nhiên ưu ái ban tặng 12 km đường bờ biển trải dài khắp 5 xã của huyện. Nơi đây không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên lý tưởng để phát triển du lịch biển, mà còn được biết đến với nguồn lợi hải sản dồi dào, phong phú. Người dân nơi này vẫn quanh năm vươn khơi, bám biển, nương tựa vào biển. Lộc biển đã nuôi sống họ tự bao đời nay.

Kim Sơn – Vĩnh Lộc: Chốn bồng lai tiên cảnh

Kim Sơn – Vĩnh Lộc: Chốn bồng lai tiên cảnh

08:57 , 11/12/2023

Sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, chưa hề bị bê tông hóa, cùng hệ thống miếu chùa, hang động, bờ suối thơ mộng... , chính vì thế mà danh thắng Kim Sơn được du khách thập phương ví von là chốn bồng lai tiên cảnh giữa nhân gian.

Những nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh

Những nhà giáo tiêu biểu xứ Thanh

10:21 , 19/11/2023

Những con đường ở vùng cao thường gập ghềnh, nhiều trở ngại. Thế nhưng, trong suốt nhiều thập kỷ qua, những giáo viên vùng cao đã vượt qua để đến từng bản làng vận động trẻ em đến trường, đến với từng điểm trường lẻ chon von trên đỉnh núi để dạy học với mong muốn thế hệ trẻ, đặc biệt là nhữnghọc sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa có tương lai tươi sáng hơn.