Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh

17:02 - 03/09/2022

Xác định ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào khám chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa không ngừng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại vào quy trình khám, điều trị. Đồng thời việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ cũng được đặc biệt quan tâm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa có vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Bệnh án điện tử được xem là bước tiến trong công tác quản lý hồ sơ bệnh nhân, phục vụ đắc lực cho hoạt động khám, chữa bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, mang lại độ chính xác cao, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phần mềm bệnh án điện tử đang là mục tiêu hướng tới của nhiều bệnh viện trên cả nước.

Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh - Ảnh 2.

Cuối tháng 7/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện đầu tiên của tỉnh triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Để có thể áp dụng đồng bộ, phục vụ khám và điều trị cho bệnh nhân cả nội và ngoại trú, Bệnh viện đã lãnh đạo, chỉ đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Bệnh viện đã đầu tư mua sắm, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, lắp đặt thêm các máy tính trạm, bổ sung thiết bị để đảm bảo thời gian lưu trữ theo quy định của Bộ Y tế; triển khai và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS, nhờ đó đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu và thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Hệ thống PACS được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2020, đảm bảo việc lưu trữ hình ảnh y tế không in phim. Ngoài ra, Bệnh viện luôn quan tâm đổi mới phong cách và thái độ phục vụ của cán bộ y tế, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu xã hội.

Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh - Ảnh 3.

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa không ngừng tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng các kỹ thuật mới, tiên tiến vào công tác khám chữa bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tương đương với tuyến trung ương như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng; Phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến, u bàng quang, cắt nang thận, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản; Phẫu thuật nội soi lồng ngực; Phẫu thuật sọ não, hộp sọ; phẫu thuật cột sống... Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 của cả nước được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống và người cho chết não. Rất nhiều ca bệnh cấp cứu được chẩn đoán, chữa trị kịp thời, giữ được mạng sống.

Tháng 5/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã cứu sống 1 bệnh nhân bị ngừng tim bằng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân là nam, 33 tuổi, ở phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng mất hết phản xạ, ngừng tim, ngừng thở, mạch 0, huyết áp 0. Bệnh viện đã hội chẩn, thống nhất dùng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) - vũ khí cuối cùng của chuyên ngành Hồi sức cấp cứu. Sau 8 tiếng hỗ trợ ECMO, tình trạng tuần hoàn và hô hấp được cải thiện hơn. Để tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân ngừng tim, các bác sĩ đã cho bệnh nhân di chuyển kèm hệ thống ECMO để đi chụp động mạch vành. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn 1 nhánh động mạch vành, nên đã được can thiệp đặt 1 stent. Sau 5 ngày điều trị, chức năng tim, phổi đã ổn định, bệnh nhân cai được ECMO; sau 10 ngày được rút ống nội khí quản. Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, phục hồi tốt.

Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh - Ảnh 4.

Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cuối tháng 4/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào vận hành phòng xét nghiệm thông minh với hệ thống máy móc hiện đại. Hệ thống xét nghiệm đặt tại Khoa Hoá sinh, có công suất lên tới 1.200 ống mẫu/giờ; tự động hoàn toàn từ khâu nhận ống mẫu vào hệ thống cho đến khi trả kết quả. Điều này không chỉ góp phần giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân lực, mà còn loại bỏ nguy cơ nhiễm chéo mẫu, đảm bảo chất lượng mẫu đầu vào, mang lại kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện có thể xét nghiệm hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm, tăng gấp đôi so với trước.

Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực là bệnh viện tư nhân trực thuộc Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực, chính thức đi vào hoạt động năm 2005 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bệnh viện được đánh giá cao về chất lượng khám chữa bệnh, dịch vụ chăm sóc khách hàng, có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại.

Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh - Ảnh 5.

Từ cuối năm 2020, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đã đưa vào sử dụng Hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) của hãng Philips, Hà Lan, là hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất tại Việt Nam và khu vực hiện nay. Hệ thống này phục vụ chẩn đoán và can thiệp tim - mạch máu với các chức năng chụp tim, động mạch vành, các loại mạch tạng, mạch chỉ; nút mạch trong các trường hợp phình mạch não, dị dạng mạch não, hẹp động mạch não, hẹp - tắc các động mạch chi… Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đang liên kết với Bệnh viện Việt Đức Hà Nội áp dụng kĩ thuật X - quang can thiệp, liên kết với bệnh viện Bạch Mai áp dụng kĩ thuật can thiệp tim mạch chống chảy máu nội tạng hiệu quả cao. Ngoài ra, khoa Ung bướu của Bệnh viện Hợp Lực cũng được đầu tư máy xạ trị và nhiều thiết bị tiên tiến.

Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới của Thanh Hóa cũng không ngừng cải tiến cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại, tích cực đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

Áp dụng kỹ thuật công nghệ cao trong khám chữa bệnh - Ảnh 6.

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong bệnh viện giúp người dân phát hiện kịp thời và sớm được điều trị các căn bệnh không may mắc phải, tránh những điều đáng tiếc. Nhờ vậy, người dân yên tâm sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh tại địa phương, giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm áp lực không đáng có cho tuyến trên. Với việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và đưa công nghệ cao vào khám chữa bệnh, Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một trong những trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực và cả nước.


Nguồn: Phóng sự chuyên đề ngày 29.8