Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

07:49 - 07/04/2024

Huyện Bá Thước là nơi sinh sống lâu đời của bà con các dân tộc Thái, Mường. Bởi vậy, đây cũng là địa phương có nền văn hóa phát triển đa dạng. Theo số liệu thống kê, hiện nay, Bá Thước có 55 di tích có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, di chỉ khảo cổ học, di tích tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước… Ngoài ra, cộng đồng người Thái, Mường còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, thông qua những đặc trưng về trang phục, nhà ở, cách ứng xử, giao tiếp hay các lễ tục truyền thống...

Lễ hội Mường Khô là một trong những lễ hội lớn nhất của cộng đồng dân tộc Thái, Mường trên địa bàn huyện Bá Thước.

Mường Khô (tên cũ gọi là Mường Khả) là quê hương của tướng quân Hà Công Thái, người có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây xứ Thanh vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Về sau này, dòng họ Hà Công ở Mường Khô còn có những người con ưu tú như: Hà Công Ngôn, Hà Công Ngoan, đặc biệt là Hà Văn Mao, một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19. Lễ hội Mường Khô được hình thành từ hàng trăm năm trước, là dịp để con cháu đời sau ghi nhớ công lao của những người đã anh dũng chống giặc ngoại xâm, góp phần dựng xây làng, bản.

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 1.

Trong lễ hội có màn sân khấu hóa, tái hiện những năm tháng Quận công Hà Công Thái chỉ huy binh lính xua tan hàng vạn quân xâm lăng nơi biên giới; những gian lao, vất vả nhưng cũng rất đỗi hào hùng của nghĩa quân Cần Vương - thủ lĩnh Hà Văn Mao…

Sau màn tái hiện lịch sử, Nhân dân trong vùng và du khách được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống, những câu hát khặp, hát đối… hòa lẫn trong tiếng cồng, chiêng rộn rã…

Được phục dựng và trải qua hàng chục năm phát triển, mới đây, tháng 1 năm 2024, Lễ hội Mường Khô đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện Bá Thước thực hiện tốt hơn nữa việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyên thống trong cuộc sống hôm nay.

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Liên, thôn Lùng, xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Bản thân tôi là người trẻ, được tham gia lễ hội Mường Khô năm nay tôi thấy rất vui và vinh dự".

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 3.

Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc lễ hội Mường Khô được đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là vinh dự lớn. Lễ hội là dịp để huyện quảng bá, giới thiệu tiềm năng về văn hóa du lịch để thu hút du khách và các nhà đầu tư".

Tại buổi sinh hoạt định kỳ của đội văn nghệ xã Thành Lâm, các thành viên lại có dịp chia sẻ những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất; cùng nhau tập luyện những tiết mục văn nghệ, sẵn sàng cho những ngày lễ, hội của địa phương hay ngày vui của gia đình, làng, bản… Qua các buổi tập luyện, những câu hát, điệu múa, phong tục, tập quán trên địa bàn… đã được thế hệ trẻ hôm nay kế thừa, phát huy.

Chị Lương Thị Nụ, thôn Cốc, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi sinh hoạt trong câu lạc bộ từ mấy năm nay. Tôi rất vui vì được góp sức mình vào việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

Thành Lâm là một xã thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, là nơi có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa, tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển. Đến với Thành Lâm, du khách không chỉ được thưởng thức những đêm liên hoan văn nghệ rộn rã, mà còn được trải nghiệm thực tế về nghề dệt thổ cẩm. Đây là điểm nhấn trong hoạt động gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái của huyện Bá Thước. Những phụ nữ Thái ngày đêm cần mẫn bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn độc đáo. Được trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc, từ đó hiểu và trân quý các giá trị mà cộng đồng dân tộc Thái mạng lại.

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 4.

Chị Hà Thị Dung, Phố Đòn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Địa phương có nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời, tôi muốn góp sức mình để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con".

Tại xã Văn Nho, nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa truyền thống đối với đời sống tinh thần của Nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các thôn thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Thông qua đó, xã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Thái, tổ chức dàn dựng, biểu diễn các tiết mục hát ru, khua luống, hát khặp, nhảy sạp... trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, các dịp lễ tết. Cùng với đó, việc triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" suốt 20 năm qua, đã và đang góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng đời sống văn hóa mới trên địa bàn. Nhờ đó, bà con đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm cho bộ mặt các làng, bản ngày càng khởi sắc. Hương ước, quy ước của làng, thôn được thực hiện tương đối tốt; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được chú trọng, nhờ đó, từng bước giảm dần các tệ xã hội trên địa bàn.

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 5.

Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Văn Nho, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã có rất nhiều hoạt động thực tiễn, nhằm gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống, cũng là cách để địa phương thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương".

Đối với huyện miền núi Bá Thước, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc trong giữ gìn truyền thống, từ đó thúc đẩy các làng nghề phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân... 

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 6.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 295/338 thôn, bản, đơn vị đã khai trương xây dựng làng văn hóa, cơ quan văn hóa. Trong đó có hơn 180 thôn, bản, đơn vị, cơ quan được công nhận làng, cơ quan văn hóa. 100% thôn, bản đều có đội văn nghệ, thể thao tham gia biểu diễn vào các ngày lễ tết. Cùng với đó, huyện Bá Thước đã khôi phục nhiều lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Thái, Mường như: Lễ hội cầu mưa xã Kỳ Tân; lễ hội xuống đồng xã Ban Công; lễ hội Mường Khô xã Điền Trung... Mo Mường, khặp Thái, múa xòe, nhảy sạp, khua luống và nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được bảo tồn và phát huy.

Ông Bùi Trung Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Là xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Thái cao, những năm qua, chúng tôi đã có nhiều giải pháp nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa như những nếp nhà sàn, là trang phục, tiếng nói, những phong tục, tập quán… góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương".

Bá Thước gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống- Ảnh 7.

Ông Hà Văn Khánh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hà Văn Khánh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, phòng văn hóa đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, các địa phương thành lập các đội văn nghệ, mà nòng cốt là lực lượng thanh niên. Các đội văn nghệ đã duy trì hoạt động của mình, vừa xây dựng phòng trào, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời phục vụ cho các hoạt động du lịch trên địa bàn".

Nhằm nâng cao ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở vững chắc để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện nay, huyện Bá Thước cùng các cơ quan chức năng đã lựa chọn các làng văn hóa truyền thống có di sản văn hóa tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, gìn giữ và phát huy, qua đó đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Huyện chú trọng lập các khu du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với những hoạt động văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Thái, Mường; hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các đồ dùng sinh hoạt và công cụ sản xuất ở các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Cao; phục hồi và duy trì nghề dệt thổ cẩm ở các xã Lâm Xa, Lũng Niêm, Lũng Cao; duy trì các sinh hoạt văn hóa truyền thống như lễ hội, nhạc cụ, trang phục, dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực ở các xã Điền Trung, Văn Nho, Kỳ Tân.... Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở xứ Thanh.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV