Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch

Trong những năm gầy đây, huyện Bá Thước đã tập trung khai thác và phát huy giá trị của các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp bản địa để phục vụ phát triển du lịch. Đến nay nhiều làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông lâm sản được hình thành đã cung cấp đa dạng các phẩm bản địa đặc sắc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Trước đây, cây quýt hoi mọc tự phát và phân tán trên các triền đồi, giá trị kinh tế không cao. Từ năm 2018, để phát huy lợi thế của cây đặc sản bản địa phục vụ du lịch, huyện Bá Thước đã khuyến khích, hỗ trợ người dân bảo tồn và phát triển diện tích trồng quýt hoi. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có khoảng 60 ha quýt hoi tại các xã Lũng Cao, Thành Lâm, Thành Sơn. Mỗi năm, 1 ha quýt thường cho sản lượng khoảng 6 tấn, giá trị khoảng 90 triệu đồng. Cùng với đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư chế biến quýt hoi thành các sản phẩm như trà, siro, các loại enzyme tẩy rửa... trong đó phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ở các điểm du lịch.

Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 1.

Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 2.

Ông Ngân Văn Hiên, Xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá

Ông Ngân Văn Hiên, Xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Tôi trồng cam quýt này từ năm 1997. Vườn nhà tôi gần 3 ha. Bình quân một năm thu hoạch 150 triệu. Gần đây chuyển sang du lịch sinh thái. Trước mắt chưa đông mấy nhưng tương lai nhiều khách biết đến sẽ phát triển hơn.

Hiện nay, huyện Bá Thước đã phát triển được 24 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống đặc trưng như: sản phẩm thổ cẩm, Mật ong rừng Pù Luông, vịt Cổ Lũng, Lạp sườn và Khâu nhục họ Hoàng, trà, Siro, Enzyme, muối quýt hoi, thịt trâu gác bếp..vv. Huyện Bá Thước cũng đã hỗ trợ trưng bày các sản phẩn làng nghề, nông sản địa phương tại 10 cơ sở lưu trú trong Khu du lịch Pù Luông. Toàn huyện cũng đã có 10 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 3.

Ông Hà Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm bà con có khởi sắc và có thu nhập. Nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan, giao lưu văn hóa nên đời sống bà con khởi sắc và có nhiều tiến bộ".

Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 4.

Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 5.

Ông Lò Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lò Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Các làng nghề trở thành điểm thăm quan, trải nghiệm mua sắm của du khách. Huyện bảo tồn phát huy làng nghề, tuyên truyền vận động bà con nhân dân truyền dạy nghề. Mở rộng quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề, làm tốt công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm để việc tiêu thụ được tốt hơn".


Bá Thước phát huy giá trị các sản phẩm nông nghiệp bản địa phục vụ du lịch- Ảnh 6.

Thời gian tới, Huyện Bá Thước tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng các sản phầm làng nghề, nông lâm sản có thế mạnh của địa phương. Giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cho các sản phầm, đồng thời đẩy mạnh việc trưng bày và bán tại các cơ sở kinh doanh du lịch. Việc phát huy giá trị làng nghề và các sản phẩm nông, lâm sản bản địa không chỉ góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, phục vụ nhu cầu thăm quan và mua sắm của du khách khi đến với Bá Thước.

Nguồn: Bản tin THNM 2/1/2023