Bạc Liêu có gần 1.100 nhà nuôi yến, chủ yếu là tự phát

15:34 - 15/10/2019

Gần đây, nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phát triển khá nhanh. Song, hầu hết nhà nuôi yến được xây theo kiểu tự phát.

Theo thống kê sơ bộ, hiện, cả nước có 42/63 tỉnh, thành nuôi chim yến, với tổng số hơn 8.300 nhà yến, nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL.  Riêng tại tỉnh Bạc Liêu, có gần 1.100 nhà nuôi yến với tổng đàn hơn 452.000 con.

Nuôi và khai thác chim yến là một nghề phát triển khá mạnh. Các sản phẩm yến sào không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao với mức giá xuất khẩu chủ yếu từ 1.500- 2.000 USD/1kg. Từ đó, đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân, cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, gần đây, nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phát triển khá nhanh. Nhà nuôi yến được người dân xây dựng theo kiểu tự phát, đến nay vẫn chưa có quy định hành lang pháp lý nào cho nghề này, từ quy cách xây dựng, đến vấn đề xử lí vệ sinh, tiếng ồn, quản lí dịch bệnh… và cả việc đánh giá về hiệu quả kinh tế của nghề.

Phần lớn nhà nuôi yến xây dựng theo kiểu tự phát.
Phần lớn nhà nuôi yến xây dựng theo kiểu tự phát.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Đây là một ngành nuôi quan trọng, có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu, chưa kiểm soát được chặt chẽ số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm; Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính; Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Bạc Liêu, nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát ở địa phương, phần lớn nằm trong các khu dân cư, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Địa phương chưa có quy định cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị.

Chính vì vậy, thời gian tới, Bạc Liêu sẽ xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng trong phát triển kinh tế từ  ngành nghề này, từ đó có những giải pháp khuyến cáo, cũng như quy định tạm thời, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm âm thanh.

“Tăng cường công tác quản lý giám sát cũng như đăng ký nghề nuôi chim yến theo Thông tư số 35 của Bộ NN-PTNT; tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về tổ yến, truy xuất nguồn gốc để xây dựng thương hiệu cho yến Bạc Liêu; thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong vùng nuôi chim yến; thực hiện phân cấp cũng như phối hợp giữa các cấp chính quyền trong việc thống nhất về quản lý hệ thống nhà yến; kiểm tra giám sát theo đúng chức năng nhiệm vụ, thậm chí có hình phạt, chế tài trong quá trình thực hiện ngành nghề mới này; xây dựng quy chế phối hợp để giữa các địa phương hoạt động một cách linh hoạt, hiệu quả hơn”, ông Lưu Hoàng Ly nói.

Theo Tấn Phong/VOV