Bàn giải pháp khắc phục hậu quả sau thiên tai tại các huyện miền núi

21:27 - 20/08/2019

(TTV) - Ngày 20/8, tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã phối hợp UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai khu vực miền núi.

 

Các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan TW, tổ chức JiCa (Nhật Bản), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu cùng lãnh đạo 5 huyện: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Bá Thước của Thanh Hóa.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Sơn, huyện Mường Lát, xã Na Mèo huyện Quan Sơn đã trao đổi thêm thông tin về tình hình thiệt hại, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả đợt lũ sau bão số 3 vừa qua. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ năm 2018 đến nay, khu vực miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có 20 trận lũ quét, sạt lở đất làm 109 người chết và mất tích (Chiếm tới 70% số người chết và mất tích do thiên tai của cả nước), thiệt hại khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt mưa lớn do hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã khiến 16 người chết và mất tích tại hai huyện Quan Sơn và Mường Lát, ước tính thiệt hại khoảng 900 tỷ đồng. Riêng tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn đã có 10 người chết và mất tích, 35 nhà sập hoàn toàn, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị cuốn trôi.

Qua tìm hiểu và đánh giá thực địa, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Bản Sa Ná nằm ven con suối Son có chiều dài 2,4km, bắt nguồn từ Lào. Con suối này có những điểm co thắt dễ tạo ra bọng nước gây ra lũ quét. Lũ quét xảy ra vào ngày 3/8 ở bản Sa Ná là do một vị trí ở khu vực suối Son nằm phía trên bản Sa Ná có lòng suối hẹp, khi mưa lớn, lượng gỗ và đá trôi về rất nhiều đã gây nghẽn dòng suối tạo thành đập tạm. Nước dâng lên quá cao khiến đập tạm bị vỡ, tạo nên một đợt sóng lũ với tốc độ nước lớn, kèm theo cây to, đá, chảy về hạ lưu cuốn trôi hơn 30 ngôi nhà dân. Đây là nguyên nhân chính gây nên thiệt hại nặng nề tại bản Sa Ná.

Các đại biểu dự hội nghị đã trao đổi, nêu lên nhiều bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp phòng tránh lũ, sạt lở đất. Trong đó, các cơ quan chuyên môn cảnh báo khu vực miền núi phải hết sức cảnh giác với mưa to do hoàn lưu của các cơn bão; cần tăng cường lắp đặt ngay các trạm đo mưa và thiết bị cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Chính quyền địa phương và người dân chủ động kiểm tra, khơi thông các khu vực có nguy cơ nghẽn dòng; cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm.

Đối với những hộ dân sống ở khu vực đầu nguồn sông, suối, cần trang bị loa cầm tay, cồng, chiênh, kẻng để kịp thời báo động cho các hộ tránh lũ. Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, đánh giá nơi ở, địa điểm sơ tán và có phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân. Với điều kiện về đất đai và tập quán làm nhà dọc sông suối của người dân, nguy cơ do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, chính quyền địa phương cần phải có khảo sát đánh giá các khu vực dân cư, khoanh vùng các khu vực dễ xảy ra nguy hiểm, từ đó mới có thể có những biện pháp cảnh báo sớm để người dân chủ động phòng tránh.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cảm ơn các cơ quan TW, các tỉnh, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân Thanh Hóa bị thiệt hại do thiên tai trong những năm qua, và đặc biệt là sau mưa lũ do bão số 3.

Được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đồng bào cả nước, các nhà bị sập, mất nhà ở hai huyện đã được hỗ trợ đến 300 triệu đồng mỗi hộ để làm nhà. Tỉnh Thanh Hóa và hai địa phương đang khẩn trương đầu tư các khu tái định cư để đến ngày 30/11/2019 có thể hoàn thành việc làm nhà cho các hộ dân. Thanh Hóa cũng huy động mọi nguồn lực để trả lại thiết kế ban đầu cho các công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại. Đồng thời chủ động trang bị ngay một số thiết bị cần thiết trong phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như súng bắn dây, điện thoại vệ tinh, đầu tư thêm các thiết bị đo mưa trên diện rộng để có thông tin sớm và tăng khả năng ứng phó với tình hình mưa to cục bộ khu vực miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương triển khai đề án tổng thể hỗ trợ về xây dựng các khu tái định cư tập trung phòng chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cho các tỉnh phía Bắc, và Bắc Trung Bộ. Đây là chương trình đa mục tiêu vừa giúp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vừa thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở khu vực miền núi; Đề nghị các bộ, ngành TW, dành kinh phí giúp Thanh Hóa nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập, đầu tư các phương tiện cứu hộ, cứu nạn có khả năng cứu hộ cứu nạn trong tình huống bão gió và mưa lớn; nghiên cứu, hỗ trợ khu vực miền núi một số phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn đặc thù.

Phát biểu kết luận hội nghị, Đồng chí Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương của tỉnh Thanh Hóa, các huyện Mường Lát, Quan Sơn trong khắc phục hậu quả và chia sẻ những khó khăn, mất mát với tỉnh Thanh Hóa, với người dân Quan Sơn, Mường Lát về những thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua. Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhấn mạnh: Hiện đang là thời gian cao điểm mưa bão, do vậy các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa phải khẩn trương thực hiện ngay việc rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất để có phương án sơ tán dân; Rà soát, trang bị các phương tiện thông tin cảnh báo thiên tai đến tận thôn bản một cách phù hợp, thông tin đến người dân biết các giải pháp chủ động phòng tránh thiên tai; tăng cường hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai theo nghị quyết của Chính phủ; Đồng chí nhấn mạnh yêu cầu với các địa phương, đặc biệt là thôn, bản, xã, khi có cảnh báo mưa, bão cần chủ động kiểm tra, tháo bỏ các điểm có thể gây tắc ngẽn ở các sông suối, các ao nhỏ, không để hình thành các bọng nước gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp thu các đề xuất của Thanh Hóa và các địa phương để báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương và các ban, bộ ngành TW về tăng cường hỗ trợ và nâng cao năng lực cảnh báo, ứng phó, phòng tránh thiên tai cho các tỉnh khu vực miền núi.

Tại hội nghị, đại diện Công đoàn Nông nghiệp Phát triển nông thôn Việt Nam đã hỗ trợ huyện Quan Sơn số tiền 200 triệu đồng để góp phần cùng huyện nhanh chóng khắc phụ hậu quả thiên tai.

Trước khi diễn ra hội nghị, sáng  20/8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do đồng chí Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà bà con bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai, khảo sát khu tái định cư bản Sa Ná./.

Theo bản tin thời sự tối 20.8/TTV