Báo, Tạp chí và tôn chỉ của cơ quan báo chí?

07:26 - 19/12/2019

Với việc ban hành Công văn số 3996 ngày 8/11/2019 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT-TT) về Chấn chỉnh hoạt động của tạp chí điện tử một lần nữa thấy rõ vấn đề đang ở mức báo động của vi phạm, phải chấn chỉnh, điều chỉnh.

Tuy vậy, không ít hội viên, nhà báo của chúng ta chưa (hoặc vẫn hiểu) phân biệt rõ thể loại tác phẩm báo và chí đăng tải trên từng loại ấn phẩm.

Xin một lần nữa tìm hiểu, cắt nghĩa, định nghĩa về báo và chí để từ đó dễ thực hiện. Theo Bách khoa toàn thư (Wikipedia) hay bài viết của tác giả Bùi Khiêm đang có trên mạng thì báo và chí có sự giống và khác nhau. Giống là cùng thu thập, xử lý và đưa thông tin. Khác là báo thì thông tin thời sự (sự việc đang xảy ra, vừa xảy ra) phải bảo đảm các yếu tố: Kịp thời, chính xác, đầy đủ. Nội dung của báo là những vấn đề, hiện tượng mang tính tức khắc, nóng hổi cần giới thiệu, thông báo, hướng dẫn dư luận...

Còn tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể nào đó, chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực cụ thể, thuộc phạm vi một ngành, địa phương, định kỳ tuần, tháng , quý, 6 tháng, một năm. Có thể phân tạp chí thành 2 loại: Thông tin ngôn luận và chuyên ngành nghiệp vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tạp chí thông tin ngôn luận giới thiệu về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... với đối tượng phục vụ rộng. Tạp chí chuyên ngành thì hẹp hơn, đăng tải những vấn đề có tính nghiên cứu của ngành, nghề và lĩnh vực, phạm vi phục vụ cũng tương ứng. Định kỳ của tạp chí cũng nói lên tính nghiên cứu dài lâu, chuyên sâu của bài viết.

Công chúng theo dõi báo và tạp chí cũng khác nhau. Bạn đọc báo là để thỏa mãn nhu cầu nắm bắt thông tin thời sự, trình độ tiếp thu phổ thông, phổ biến. Còn tạp chí chuyên lĩnh vực, chuyên ngành thì người đọc phải am hiểu hoặc ít nhất có ý định tìm hiểu và trao đổi về lĩnh vực đó... Tính thuyết phục của tạp chí còn ở chất hàn lâm và hiệu quả nghiên cứu khoa học của tác phẩm; cũng là ấn phẩm để công bố các công trình nghiên cứu chuyên ngành, một công việc hết sức cần thiết của khoa học...

Như vậy, đặc trưng và nhiệm vụ của hai loại hình (Hai dạng thức chuyển tải) truyền thông đã rất rõ.

Tạp chí in truyền thống cũng như báo in hiện đã giảm vai trò do công nghệ mạng internet và thông tin điện tử chiếm vị trí độc tôn nhiều năm. Để bảo đảm việc lan tỏa nội dung của tạp chí, Nhà nước cho phép nối dài nội dung tạp chí in trên giấy qua truyền dẫn điện tử (trang thông tin điện tử). Có nghĩa, trang thông tin điện tử không đăng tải, sản xuất, cập nhật tin, bài thời sự như báo điện tử. Cũng có ý kiến cho rằng nếu chỉ thuần túy là chuyển tiếp tác phẩm từ trang in bằng giấy sang mạng thì vai trò nhanh nhạy của điện tử ở đâu?  Phải hiểu thế này: Sản xuất nội dung là nội dung của tạp chí in, định kỳ nửa tháng, một tháng... Còn mạng chỉ là phương tiện chuyển tải tác phẩm tạp chí đã in để phục vụ người đọc, người nghiên cứu để thêm tiện ích như góp ý, sửa chữa, in ra tài liệu... hiệu quả thiết thực.

Hiện nay nước ta có gần 700 tạp chí in chuyên ngành, lĩnh vực được Nhà nước cấp phép; cũng gần từng đó tạp chí có thêm trang thông tin điện tử cùng hàng vạn địa chỉ cổng thông tin của các ngành, các cấp, Websitc của doanh nghiệp, cá nhân.

Thực hiện tôn chỉ mục đích trong hoạt động báo chí hiện nay cũng chưa tốt, thậm chí còn không ít cơ quan báo chí vi phạm. Đây là một thực tế nảy sinh trong thực tiễn sinh động của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang phải tháo gỡ, giải quyết...

Để mở rộng cung cấp thông tin, công cụ ngôn luận, báo chí những năm qua rất phát triển, bộ ngành, địa phương, đoàn thể đều có báo chí, số đầu báo, chí, kênh phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử được cấp phép lên đến trên 1.000, riêng tạp chí có gần 700.  Điều cần nói là, trong đó có đến hơn 80% tự tìm kiếm kinh phí hoạt động xuất bản, phát sóng. Số lao động hưởng lương, thu nhập làm việc trong cơ quan báo chí trên 45.000 người, chưa tính một số lượng đông đảo sinh viên các cơ sở đào tạo báo chí, các trường ngoài báo chí ra trường chưa tìm kiếm được việc làm tham gia lao động tại các cơ quan báo chí. Buộc phải lao vào làm tin, bài thời sự, điều tra vụ việc để từ đó có người đọc, nguồn thu cao để có tiền là việc "Cực chẵng đã" đối với hầu hết cơ quan báo chí. Tình trạng cạnh tranh thông tin không lành mạnh, bão hòa tin tức, trùng lặp thông tin, vi phạm đạo đức, vi phạm tôn chỉ, suy giảm uy tín và nhiều bất cập xuất phát từ đó.

Cùng với quy hoạch báo chí, cũng cần một lần nữa rà soát lại tôn chỉ, cụ thể hóa tôn chỉ, tạo thế và lực cho phát triển báo chí nhưng cũng cần quy định điều kiện cần và đủ để thành lập cơ quan báo chí cụ thể hơn. Trong đó có nội dung tiên quyết là cơ quan chủ quản phải có ngân sách đặt hàng cơ quan báo chí của mình... Vì sao vây? Bởi bản thân tạp chí hay tờ báo sinh ra là để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của ngành, địa phương đó. Nên trách nhiệm chi phí bảo đảm hoạt động của cơ quan chủ quản cũng đã được quy định rõ khi cấp phép xuất bản.

Chủ trương của Nhà nước trong quy hoạch báo chí chúng ta đang thực hiện là yêu cầu từng bước tự chủ, xóa bỏ cấp phát chung chung mà thay đổi hình thức đầu tư sang chế độ đặt hàng sản xuất tác phẩm báo chí phục vụ cho ngành, địa phương. Như vậy, bản thân cơ quan báo chí cũng phải "bày bán" nhiều chủng loại hàng hóa và mời chào đặt hàng. Nếu cơ quan báo chí nào cũng thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, bức tranh hoạt động báo chí của chúng ta sẽ sáng sủa, uy tín nghề nghiệp sẽ được nâng lên./.

                              Bắc Hà/Công Luận