Bảo vệ bền vững rừng gắn với phát triển đa dạng sinh học

18:40 - 04/05/2023

Khu bảo tồn các loài Hạt trần quý, hiếm Nam Động, trực thuộc Hạt kiểm lâm Quan Hóa có trên 623 ha rừng tự nhiên chứa đựng tính đa dạng sinh học cao, nhất là các loài hạt trần quý hiếm. Những năm qua, Hạt kiểm lâm Quan Hóa đã tập trung đổi mới công tác quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng; thu hút và kêu gọi nhiều chương trình, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Hạt kiểm lâm Quan Hóa đã thành lập được 7 tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng, phối hợp với cán bộ các trạm kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động đã triển khai 18 cương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ động thực vật. Trong đó nghiên cứu, bảo tồn và nhân giống được 9 loài hạt trần quý hiếm, điều tra và bảo tồn một số loài động vật đặc hữu như sóc bay trâu, cu li, rắn khuyết xanh... Đơn vị cũng đã triển khai thành công mô hình trồng 4,5 ha cây dược liệu bản địa dưới tán rừng.

Bảo vệ bền vững rừng gắn với phát triển đa dạng sinh học - Ảnh 2.

Bảo vệ bền vững rừng gắn với phát triển đa dạng sinh học - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Hóa

Ông Lê Văn Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quan Hóa cho biết: "Đơn vị đã tham mưu cho chi cục kiểm lâm phối hợp với các cơ quan đầu ngành điều tra đánh giá các hệ động thực vật, đảm bảo phát hiện các loại mới, cũng như củng cố nguồn gien của các loại cũ đã nghiên cứu. Đối với các mô hình đơn vị đã triển khai như nuôi cá, phục tráng rừng luồng, nuôi cá…, đơn vị nhân rộng để nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực vùng đệm."

Những nỗ lực trong bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động đã góp phần nâng cao độ che phủ và tính đa dạng sinh học của rừng tại Thanh Hóa, góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm của khu bảo tồn.

Nguồn: Bản tin 18h30 ngày 04/05/2023