Bảo vệ di tích - Trách nhiệm từ cơ sở

18:30 - 23/11/2022

Ngày 23/11 là ngày di sản Việt Nam, nhìn lại thời gian qua có thể thấy, trên địa bàn Thanh Hóa, công tác bảo vệ, tu bổ, phục hồi, phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng đã đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá giá trị văn hóa - lịch sử của đất và người xứ Thanh. Tuy nhiên, ở một số nơi đã xảy ra tình trạng các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia bị xâm hại.

Tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn di tích phân bố ở khắp các vùng, miền; trong đó có trên 850 di tích đã được xếp hạng. Phần lớn cấp ủy, chính quyền và các cộng đồng dân cư đều nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ di sản. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ việc di tích bị xâm hại. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, thiếu sát sao trong quản lý, bảo vệ di tích của cấp ủy, chính quyền cơ sở, ban quản lý di tích và có cả sự thiếu hiểu biết của bản thân những người được giao nhiệm vụ trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích.

Bảo vệ di tích - Trách nhiệm từ cơ sở - Ảnh 2.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Nhà nước thực hiện vai trò quản lý di sản. Tuy nhiên cộng đồng gắn bó với di sản nên việc bảo tồn di sản không thể tách khỏi cộng đồng. Khi chúng ta gắn bó được cộng đồng cùng di sản thì tạo ra được sự bảo vệ, trách nhiệm và gìn giữ rất lớn".

Di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng là tài sản vô giá của dân tộc. Mỗi một di tích sẽ là một trang sử sống động, là những bằng chứng vật chất minh chứng cho truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông. Chính vì vậy, bảo vệ di tích là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, ý thức, trách nhiệm của từng người dân, từng cộng đồng dân cư và cấp ủy, chính quyền nơi có di tích đóng vai trò quan trọng, trực tiếp quyết định sự "sống còn" của di tích.


Nguồn: Bản tin TS 18h30'', ngày 23/11