Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

14:42 - 15/03/2023

Trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, nhất là công tác đoàn kết các dân tộc trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở "bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển". Tuy vậy, một số đối tượng xấu lại thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc để tung tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách, kích động sắc tộc, chia rẽ vùng, miền, gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội... Vì vậy chúng ta cần hết sức cảnh giác, nhận diện rõ vấn đề và kịp thời đấu tranh, phòng chống hiệu quả.

Trên trang mạng xã hội của một số hội, nhóm phản động, thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống Nhân dân để kích động, gây chia rẽ về tư tưởng. Từ đó, chúng tiếp tục khoét sâu tâm lý ly khai, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá vỡ sự đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất, đồng bào các dân tộc đều được quan tâm, chăm lo và bình đẳng trước pháp luật; cùng đoàn kết xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng hàng loạt chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đã giúp các huyện miền núi thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại. Đặc biệt, chương trình phát triển du lịch khu vực miền núi Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật với một số sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã thu hút không chỉ khách trong nước mà cả khách quốc tế.

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

Tại huyện Lang Chánh, với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như thác Ma Hao, thác Bảy Tầng hay Di tích lịch sử Chùa Mèo, cùng những nét văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc Thái - Mường - Kinh..., huyện đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho bà con đồng bào tại các địa phương. Nhờ vậy mà đời sống của bà con đã dần thay đổi, người dân phấn khởi đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền. Ông Hà Văn Tiếp, Trưởng Bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết: "Đảng bộ xã đã chỉ đạo rất sát sao phát triển kinh tế gắn với thực tế địa phương nên bà con đã thực hiện theo và đời sống đã thay đổi rất nhiều. Chính vì thế mà 100% bà con đã tin theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước". Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cũng cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng Nghị quyết để xây dựng khối đại đoàn kết phát triển kinh tế trên địa bàn xã, trong đó tập trung vào du lịch. Bà con sinh sống từ ngàn xưa, bám làng bám bản cũng muốn tự thân phát triển kinh tế, chúng tôi cũng đồng hành cùng bà con, qua đó để bảo vệ an ninh quốc phòng tốt hơn".

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 4.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là thành quả sự đoàn kết, nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Chỉ chiếm gần 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang góp phần to lớn vào xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Để phát huy sức mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. 

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 5.

Từ năm 2010 - 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 Nghị định, Nghị quyết, Quyết định về công tác dân tộc, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Các địa phương cũng đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nguồn vốn từ các chính sách dân tộc để giúp bà con thoát nghèo một cách hiệu quả, bền vững nhất. Hiện nay, nhận thức của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi rõ rệt, nhiều hộ cũng chủ động tìm hướng đi phát triển kinh tế. Ông Phạm Văn Quang, xã Giao An, huyện Lang Chánh chia sẻ: "Khi mà thấy thôn tuyên truyền chuyển đổi cây trồng để có hiệu quả kinh tế cao hơn thì gia đình chúng tôi thực hiện theo ngay. Đến nay thì diện tích cây trồng chuyển đổi đang phát triển rất tốt". Ông Đỗ Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao An, huyện Lang Chánh cũng cho biết từ những chủ trương đúng đắn, bà con thấy được lợi ích thì càng tin theo sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo hướng dẫn của chính quyền.

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 6.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước Việt Nam còn rất quan tâm phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, các nét văn hóa truyền thống riêng của đồng bào các dân tộc. Tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số; ứng xử hài hòa với sự khác nhau giữa các dân tộc; đảm bảo quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các dân tộc theo pháp luật. Qua đó loại bỏ tư tưởng chia rẽ, cục bộ giữa đồng bào các dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, đất nước. 

Bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam - Ảnh 7.

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lang Chánh

Bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lang Chánh cho biết: "Chúng tôi luôn coi trọng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết. Bà con cũng nhận thức rất rõ dù dân tộc nào cũng là tỉnh nhà, là người Việt Nam, từ đó đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương".

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: "Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc". 54 dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào Kinh sẽ cùng đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển vững mạnh, Nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.