Bệnh nhân ung thư phổi sống được bao lâu?

07:53 - 28/02/2020

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, ngay cả khi phát hiện sớm tỉ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như nhiều bệnh ung thư khác.

Theo PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, Việt Nam nằm ở Đông Á là một trong 3 khu vực có tỷ lệ mắc ung thư phổi cao nhất thế giới cùng với Bắc Mỹ và châu Âu. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 2,1 triệu người mắc ung thư phổi, trong đó có tới 1,8 triệu người tử vong.

Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 23.000 người mắc mới ung thư phổi nhưng có tới 88% tử vong, tương đương gần 21.000 người.

 

Bệnh nhân ung thư phổi sống được bao lâu? - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính, tỷ lệ sống sau 5 năm không cao dù được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính. Trong nhiều năm qua, dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, thuốc nhắm trúng đích liên tục được cập nhật) nhưng tiên lượng vẫn còn rất dè dặt. Tỷ lệ tử vong vẫn cao.

Ung thư phổi khiến người bệnh bị suy giảm sức khỏe toàn trạng, nhiều người không thể tham gia hết được liệu trình điều trị, hoặc sau điều trị thành công vẫn có khả năng tái phát.

Đáng lưu ý, theo PGS Quảng, ngay cả khi phát hiện rất sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như các loại ung thư khác, chỉ 8- 44%. Tại Việt Nam, cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm.

Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.

Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi

Tùy theo vị trí và kích thước của khối u mà triệu chứng sớm của bệnh ung thư phổi khác nhau tùy mỗi người. 

- Ho kéo dài không rõ nguyên nhân

- Ho ra máu

- Đau ngực

- Khó thở

- Gày yếu, sút cân

Ở giai đoạn sớm bệnh phát triển âm thầm, triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. 

PGS Quảng cho biết, ung thư phổi là một trong những ung thư gặp nhiều thách thức để chẩn đoán sớm. Đến nay chưa có phương pháp sàng lọc nào mang lại độ nhạy cao. Chụp X-quang đơn thuần không phát hiện được u nhỏ.

Tại Việt Nam, có tới 80-90% số bệnh nhân ung thư phổi đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn 3-4. Lúc này bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân chỉ còn dùng hoá chất, xạ trị, điều trị miễn dịch.

Tùy theo giai đoạn bệnh, thể trạng của bệnh nhân…, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị bổ trợ. Trong đó phẫu thuật loại bỏ khối u có hiệu quả nhất khi khối u còn nhỏ và chưa có di căn. Bệnh nhân cần có thể trạng tốt để phẫu thuật. Có khoảng 20% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp này.

Phòng bệnh

Ung thư phổi cũng được xếp vào nhóm khó phát hiện sớm. Vì thế, dự phòng bệnh được coi là chiến lược quan trọng nhất. Theo đó, người dân không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc, cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi, đi khám sức khỏe định kỳ.

Với những người ngoài 50, bác sĩ khuyến cáo cần tầm soát ung thư phổi 6 tháng - 1 năm/lần. Đặc biệt với người hay hút thuốc lá, thuốc lào nhiều nên đi tầm soát sớm hơn.

Hà An/ Dân trí