Biên cương một dải vững bền

Tiếp cận thực tế để sáng tác là điều kiện cần cho việc sáng tạo của bất kỳ bộ môn văn học nghệ thuật nào. Chính vì thế, tổ chức đi thực tế là một trong những cách để tạo điều kiện cho các tác giả làm dày thêm vốn sống, tích lũy kinh nghiệm để có những tác phẩm mới. Với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh, những chuyến đi thực tế về miền Tây xứ Thanh, tận mắt chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng, cũng như cuộc sống của bà con các dân tộc vùng phên dậu của Tổ quốc là một trong những điều kiện góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền 2023".

Cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền" năm 2023 là chương trình phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh nhằm tiếp tục tuyên truyền về đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với công tác biên giới, biển đảo. Giới thiệu vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người ở vùng biên giới, biển đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

Đại tá Nguyễn Văn Đông, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng Thanh Hóa

Với mục đích nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền 2023", Ban tổ chức cuộc thi ký đã tổ chức 02 chuyến đi thực tế tới các đồn biên phòng phía Tây xứ Thanh cho các tác giả tham gia dự thi vào trung tuần tháng 5 và tháng 10 năm 2023. Trong mỗi chuyến đi thực tế, các tác giả sẽ cùng về miền biên viễn xứ Thanh để tận mắt chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng, thăm cột mốc thiêng liêng của tổ quốc cũng như hòa mình vào cuộc sống của bà con các dân tộc vùng phên dậu của Tổ quốc. 

Miền Tây Xứ Thanh hiếu khách và ân tình chào đón các tác giả của cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền 2023" bằng con đường lên biên giới rải nhựa mềm mại uốn lượn giữa màu xanh thăm thẳm của núi rừng, hứa hẹn một hành trình khám phá đầy thú vị để cho ra đời những tác phẩm ký lấp lánh ánh sắc cuộc sống.

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi thực tế lần thứ hai này là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, nơi có cửa khẩu thông thương với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đối với nhiều tác giả, lần đầu tiên thâm nhập thực tế tại các đồn Biên phòng thì có chút gì đó bỡ ngỡ, nhưng tình cảm dành cho người lính Biên phòng đã được ghi lại trong những khoảnh khắc hiếm hoi mang đến cảm giác chân thật, sinh động như thể đang hòa chung công việc của người lính.

Là tác giả đến từ xứ Huế mộng mơ, nhà văn Lê Vũ Trường Giang đồng hành cùng chuyến đi thực tế lần thứ hai của cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền" năm 2023 với tâm thế nhập cuộc. Anh lăn lộn, sát sao với từng nhân vật, từng câu chuyện mà anh bắt gặp trên hành trình khám phá miền Tây Xứ Thanh. Ở đây, ngoài nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, những người lính mang quân hàm xanh còn đảm đương công tác chống buôn lậu, phòng chống buôn bán ma túy ở biên giới; tham gia giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa; tăng cường cán bộ giúp chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở… Mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện ở miền biên viễn xa xôi này đều đầy ắp chất liệu, mang tới cho anh rất nhiều cảm hứng sáng tác.

Lần đầu tiên đến với miền Tây xứ Thanh, nữ nhà văn Phan Mai Hương bắt gặp ở nơi đây sự thân thuộc của cảnh sắc núi rừng như miền quê Hòa Bình của chị. 

Biên cương một dải vững bền - Ảnh 4.

Có dịp tiếp xúc với các chiến sĩ Biên phòng nơi đây chị lại càng hiểu hơn sự khó khăn, vất vả của các anh, cảm nhận được sự mến khách, tình cảm chào đón nồng nhiệt và chia sẻ những trải nghiệm của người lính. 

Biên cương một dải vững bền - Ảnh 5.

Được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chiến sĩ, thấu hiểu những khó khăn, vất vả, lắng nghe những tâm tư tình cảm của họ là dịp để chị phản ánh một cách chính xác, trung thực mọi mặt trong đời sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt đời thường của người lính hôm nay. Từ đó, cho ra đời những tác phẩm giúp độc giả hình dung ra được phần nào nhiệm vụ và những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của những người lính Biên phòng.

Bén duyên với Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh qua nhiều cuộc thi, tác giả trẻ Lê Đình Trung đồng hành cùng chuyến đi thực tế lần thứ 2 tới 04 đồn biên phòng Na Mèo, Mường Mìn, Tam Thanh và Yên Khương với sự háo hức muốn tìm tòi của một cây bút trẻ. 

Biên cương một dải vững bền - Ảnh 6.

Được đi thăm biên giới, được sống cùng đời sống của người lính biên phòng, được gặp gỡ và học hỏi rất nhiều điều từ các thành viên trong chuyến đi là cơ hội để những cây viết trẻ như Trung bổ sung nguồn tư liệu phục vụ cho việc sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh về vùng biên giới, mảnh đất phên giậu của Tổ quốc. 

Tác giả Lê Đình Trung

Hành trình năm ngày đi thực tế, các tác giả tham dự cuộc thi viết ký "Biên cương một dải vững bền 2023" đã gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò cùng các chiến sỹ bộ đội Biên phòng, hòa mình vào đời sống của bà con Nhân dân nơi miền Tây Xứ Thanh. 

Biên cương một dải vững bền - Ảnh 8.

Bằng tình cảm chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu, các tác giả sẽ tìm hiểu và chuyển tải vào các tác phẩm của mình niềm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, về những giá trị hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, về mảnh đất, con người xứ Thanh xưa và nay. Đồng thời nối gần hơn trái tim người lính Biên phòng với hậu phương, góp phần hướng công chúng quan tâm hơn đến biên giới, ý thức hơn về chủ quyền thiêng liêng, truyền ngọn lửa của niềm tự hào và tình yêu một phần máu thịt Tổ quốc đến cho mọi người.

Nguồn: Chuyên mục Văn hóa nghệ thuật/TTV