Bỏ sổ hộ khẩu giấy - quá trình chuyển đổi số tích cực của Nhà nước

09:54 - 15/01/2023

Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy chính thức hết giá trị sử dụng, thay vào đó, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin về cư trú của công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy và tích hợp các thông tin trong một loại giấy tờ số duy nhất được xem là bước tiến lớn trong công tác quản lý hộ tịch, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, hướng đến lợi ích cao nhất cho người dân.

Trước đây, có khoảng 30 thủ tục hành chính cần đến sổ hộ khẩu như: đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký thường trú, tạm trú... Khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Cán bộ làm thủ tục sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân thông qua mã số định danh cá nhân. Việc khai thác, tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng sẽ thay thế việc xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ như hiện nay.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy - quá trình chuyển đổi số tích cực của Nhà nước - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Thoa - Phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bà Phạm Thị Thoa - Phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trước đây khi dùng sổ hộ khẩu giấy, việc giữ gìn sổ, đi công chứng và xuất trình rất phiền phức, bây giờ tất cả đều tích hợp trong căn cước công dân gắn chip, bỏ ví đem đi cũng tiện. Tôi rất ủng hộ chính sách này của nhà nước)

Việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy và tích hợp các thông tin trong một loại giấy tờ số duy nhất đã giúp giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc khai thác dữ liệu về dân cư, giảm nguồn lực, chi phí để thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân. Bên cạnh đó, giảm chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, giấy tờ tại cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời, giúp tăng cường công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính công qua mạng; kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực được thuận lợi. Đây chính là sự đột phá, tạo những bước tiến mới, vững chắc trên nền tảng công nghệ thông tin.

Ông Dương Đình Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Đối với UBND thị trấn, căn cứ đề án, đã tổ chức tuyên truyền ở các hệ thống thông tin truyền thanh cho cán bộ và nhân dân các tiểu khu, các cán bộ chuyên môn của bộ phân tiếp dân đã được tập huấn qua các cổng thông tin điện tử nên khi thực hiện nhịp nhàng, đảm bảo tiến độ."

Bên cạnh nhiều tiện lợi, nhanh gọn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, bước đầu việc bỏ sổ hộ khẩu giấy cũng phát sinh một vài khó khăn đối với cán bộ cấp cơ sở, như: khi thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân để làm hồ sơ giao dịch đất đai, vay vốn ngân hàng…, nếu trước đó công dân di chuyển qua nhiều nơi cư trú trong khi dữ liệu quốc gia về dân cư mới chỉ cập nhật từ tháng 7/2021, thì việc xác minh sẽ rất khó khăn. Những vướng mắc đang được các cấp chính quyền tập trung tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân khi triển khai các thủ tục hành chính liên quan.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy - quá trình chuyển đổi số tích cực của Nhà nước - Ảnh 4.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy - quá trình chuyển đổi số tích cực của Nhà nước - Ảnh 5.

Thượng tá Lê Hồng Thái - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa

Thượng tá Lê Hồng Thái - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 về việc sửa đổi các Nghị định có liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú, yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan đều phải có sửa đổi liên quan để việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân".

Hiện tại, lực lượng Công an cũng đang tích cực cấp căn cước công dân gắn chíp với những trường hợp đủ điều kiện; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự thay thế sổ hộ khẩu.

Nguồn: Bản tin THNM 15/1/2023