Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi

08:20 - 21/09/2022

Nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở địa phương còn khó khăn, năm 2013, Bộ Y tế triển khai Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gọi tắt là Dự án 585. Từ năm 2017 đến nay, Dự án đã bàn giao 20 bác sĩ về công tác tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Khắc ghi lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, các bác sĩ trẻ tình nguyện đã không ngừng trau dồi y đức, y thuật, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân khu vực miền núi của tỉnh.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Viên Đình Hải từng công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, sau đó tham gia đào tạo theo Dự án 585, tình nguyện về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân từ tháng 6/2021. Khi tiếp nhận bác sĩ Hải, bệnh viện huyện Như Xuân đã tạo điều kiện tốt nhất về nơi ăn chốn ở để anh yên tâm công tác. Đặc biệt, đơn vị cũng sắp xếp cho bác sĩ Hải thực hiện công việc chính tại khoa ngoại bao gồm khám, tư vấn, điều trị và làm các phẫu thuật - thủ thuật bệnh nhân ngoại khoa, hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên khoa: cấp cứu, sản, nội, liên chuyên khoa về các vấn đề liên quan đến ngoại khoa. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với người thầy thuốc "Lương y như từ mẫu", phải trau dồi y đức, y thuật để chăm sóc sức khỏe Nhân dân tốt hơn, Bác sĩ Viên Đình Hải tham gia tất cả các chương trình đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức, tạo mối quan hệ với các giáo sư hàng đầu về phẫu thuật để làm tiền đề tư vấn cho các ca mổ mà anh thực hiện sau này. 

Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi   - Ảnh 2.

Trong 6 tháng đầu về công tác, bác sĩ Hải đã tham gia hơn 200 ca phẫu thuật – thủ thuật ngoại khoa và sản khoa, triển khai 39 kỹ thuật ngoại khoa, trong đó chuyển giao được 9 kỹ thuật mới cho đơn vị, như: phẫu thuật điều trị khớp giả xương chày, phẫu thuật trật khớp cùng đòn, phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật, phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, phẫu thuật cắt trĩ phương pháp Milligan – Morgan, phẫu thuật điều trị áp xe tồn dư, dẫn lưu ổ bụng. Ngoài ra, bác sĩ Hải đã soạn thảo 2 bộ tài liệu, gồm: Phác đồ điều trị 10 bệnh lý ngoại khoa thường gặp và Quy trình kỹ thuật mới tại Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân. Từ đó góp phần cùng đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện đáp ứng nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao của Nhân dân địa phương.

Trong các bệnh viện được thụ hưởng Dự án 585, Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân có số lượng đông nhất với 4 bác sĩ tham gia đào tạo, thuộc chuyên ngành Truyền nhiễm, Nội, Nhi khoa và Chẩn đoán hình ảnh, trong đó 3 bác sĩ đã về bệnh viện công tác và 1 bác sĩ tiếp tục theo học. Là một huyện nghèo, đội ngũ bác sĩ còn thiếu, trang thiết bị y tế hạn chế, sự có mặt của 4 bác sĩ thuộc Dự án 585 ở Thường Xuân đã giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và tránh lãng phí cho người dân khi phải di chuyển xa.

Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi - Ảnh 2.

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Thái Bình, Bác sĩ Nguyễn Thành Quân về công tác tại phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thường Xuân. Từ năm 2018 - 2020, bác sĩ Quân được tham gia đào tạo Chuyên khoa 1 theo Dự án 585 chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh. Hàng ngày bác sĩ Quân tham gia đọc kết quả Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính, trung bình thực hiện thủ thuật cho 40 bệnh nhân/ngày. Ngoài ra anh cũng đã  thực hiện được 65 kỹ thuật, trong đó có 52 kỹ thuật theo phân tuyến, 13 kỹ thuật theo chương trình đào tạo. 

Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi - Ảnh 3.

Năm 2016, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Vi Thị Thân, người con dân tộc Thái, sau khi tốt nghiệp Đại học Y dược Thái Bình, cũng về công tác Bệnh viện đa khoa Thường Xuân. Từ năm 2018-2020, bác sĩ Thân đã được tham gia Dự án 585 học chuyên khoa I ngành nội y. Thấu hiểu những khó khăn của người dân miền núi, với cương vị phụ trách khoa nội, Bác sĩ Thân đã tận tâm mang hết kiến thức đã học để chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đến nay, bác sĩ Thân đã thực hiện được nhiều thủ thuật khó theo chương trình đào tạo như: đặt nội khí quản, chọc dịch màng phổi, màng bụng…, hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh chuyển tuyến.

Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi   - Ảnh 3.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Thắng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Thắng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các bác sĩ trẻ luôn nhiệt tình với công việc, chăm sóc bệnh nhân tận tình chu đáo, triển khai nhiều thủ thuật, kỹ thuật y khoa mới, nhiều ca bệnh không phải chuyển lên tuyến trên".

Thực hiện Dự án 585 về tăng cường bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, từ năm 2017 đến nay, Thanh Hóa đã được bàn giao 20 bác sĩ về công tác, trong đó có 3 bác sĩ trẻ tình nguyện từ tuyến Trung ương về và 12 bác sĩ  tuyến tỉnh được cử đi đào tạo. Các bác sỹ đang làm việc tại bệnh viện đa khoa các huyện Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, với các chuyên khoa: Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Truyền nhiễm, Nội, Nhi khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Sản phụ khoa. Chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho Đề án với tổng thời gian 24 tháng liên tục, trong đó có ít nhất 70% kỹ năng thực hành tay nghề.

Kết quả của Dự án 585 được đánh giá là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. 

Các bác sỹ trẻ tình nguyện công tác ở miền núi - Ảnh 5.

 Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa dự kiến sẽ có khoảng 20 bác sĩ trẻ tình nguyện và 60 bác sĩ Chuyên khoa 1 được hỗ trợ đào tạo theo Dự án 585. Tham gia dự án, các bác sĩ trẻ được đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc, 1 thầy 1 trò với nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu. Do đó, khi về đơn vị công tác, họ sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn của tỉnh.

Việc tình nguyện phục vụ ở những nơi khó khăn không phải là lựa chọn dễ dàng đối với những bác sỹ có năng lực tốt, bởi họ có rất nhiều cơ hội việc làm và điều kiện sống tốt hơn. Với những bác sỹ tình nguyện lên miền núi công tác, sự lựa chọn của họ xuất phát từ tình yêu thương, lòng từ tâm đối với con người. Họ chính là những gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của ngành Y.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 21/9/2022