Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã cùng với các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong đó, ưu tiên tuyển dụng thêm giáo viên ở các bậc học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường.

Sau thời gian dạy hợp đồng, cô Đỗ Thị Thu đã được UBND huyện Ngọc Lặc tuyển dụng biên chế và phân công về giảng dạy tại trường Trường Mầm non Kiên Thọ, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc từ tháng 11 năm 2023. Niềm vui của cô Thu cũng là niềm vui chung của nhiều giáo viên mới được tuyển dụng đợt này để yên tâm gắn bó với nghề.

Cô Đỗ Thị Thu, Trường Mầm non Kiên Thọ, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi được tuyển dụng, tôi rất vui và phấn khởi. Khi được phân công về công tác còn nhiều bỡ ngỡ đã nhận được hỗ trợ của Ban giám hiệu để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình".

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 1.

Năm học 2023 – 2024, Trường Mầm non Kiên Thọ, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc có 24 nhóm lớp với 604 trẻ học tập ở điểm chính và 4 điểm lẻ. Do thiếu 8 giáo viên so với qui định nên nhiều năm qua nhà trường đã phải dồn nhóm lớp và bố trí giáo viên luân phiên giảng dạy ở các điểm trường. Mới đây, nhà trường đã được UBND huyện Ngọc Lặc bổ sung thêm giáo viên, việc này đã giúp nhà trường giải quyết được bài toàn thiếu giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục mới.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kiên Thọ, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kiên Thọ, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Là một trong những trường có nhiều trẻ trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, thiếu giáo viên khó khăn trong dạy trẻ, từ khi được bố trí thêm giáo viên trường thuận lợi hơn, nhất là thực hiện chương trình giáo dục mới".

Huyện Ngọc Lặc hiện có 79 cơ sở giáo dục, hơn 1000 lớp với hơn 31 nghìn học sinh. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, những năm qua, huyện đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xóa các điểm trường lẻ để giảm số lượng nhóm, lớp. Đồng thời, cùng với việc tuyển mới giáo viên, ưu tiên chuyển số giáo viên đang dạy hợp đồng vào ngạch viên chức theo chỉ tiêu được phân bổ, huyện Ngọc Lặc đã rà soát cơ cấu đội ngũ, định mức công việc của giáo viên, phát huy tinh thần xung kích, tự nguyện kết hợp với điều động, luân chuyển giáo viên về vùng sâu, vùng xa công tác. Riêng năm học 2023 – 2024, huyện đã tuyển dụng thêm được 66 giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Với số lượng giáo viên được tuyển trong đợt này, dù chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thực tế, nhưng cũng phần nào giúp các nhà trường giảm bớt khó khăn, áp lực trước tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trong nhiều năm.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 3.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 4.

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi tuyển dụng  giáo viên, UBND huyện đã phân bổ về các trường mầm non, tiểu học còn thiếu. Sau khi tuyển dụng, huyện còn thiếu giáo viên. Trong năm học tới,  UBND huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên còn thiếu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018".

Năm học 2003 – 2024, căn cứ theo nhu cầu thực tế tại các nhà trường huyện Quảng Xương thiếu hơn 500 giáo viên chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học. Thực hiện kế hoạch giao biên chế giáo viên trong năm học 2023 – 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Quảng Xương đã xây dựng kế hoạch để tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tại các nhà trường. Sau khi cân đối giữa số lượng giáo viên còn thiếu và việc thực hiện các giải pháp điều động, tăng cường, huyện đã tuyển dụng thêm 208 theo biên chế tỉnh giao. Ngay sau khi tuyển dụng được giáo viên, huyện đã ưu tiên cho các nhà trường còn thiếu nhiều giáo viên văn hoá, những trường ở khu vực còn khó khăn, có số lượng học sinh đông và gia tăng liên tục qua các năm học.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 5.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 6.

Thầy giáo Phạm Huy Quyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Nham 2, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Thầy giáo Phạm Huy Quyến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Nham 2, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Những năm trước đây, số cán bộ giáo viên của nhà trường thiếu rất nhiều. Những năm gần đây, UBND huyện Quảng Xương đã thêm số lượng giáo viên biên chế nên cũng đỡ cho nhà trường".

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Thanh Hóa tăng từ 15.000 đến 20.000 học sinh các cấp. Trong khi đó, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước, trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên bậc mầm non và tiểu học. Tình trạng thiếu giáo viên đã khiến các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tổ chức quản lý, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhất là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và càng khó khăn hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Trước sự thiếu hụt rất lớn số lượng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên cho tỉnh Thanh Hóa. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương, cở sở giáo dục đã chủ động rà soát, sắp xếp mạng lưới, đội ngũ, tuyển mới giáo viên theo qui đinh. Trong năm 2023, ngành giáo dục Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên; phối hợp với Sở Nội vụ, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng được 623/953 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên UBND tỉnh giao, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các nhà trường. 

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 7.

Các địa phương khắc phục tình trạng thiếu giáo viên- Ảnh 8.

PGS- Tiến sĩ Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa

PGS- Tiến sĩ Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: "Năm 2024, Trung ương đã bổ sung biên chế cho tỉnh lớn nhất cả nước, Hội đồng nhân dân cũng ra nghị quyết tuyển thêm giáo viên hợp đồng. Trong 2 năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024 Thanh Hóa đã được bổ sung 8000 biên chế giáo dục và hợp đồng. Với số lượng này đủ sức cho ngành giáo dục cũng như các địa phương bổ sung biên chế và hợp đồng. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tuyển dụng".

Hội nghị Trung ương 2 khóa 8, Đảng ta đã chỉ rõ: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh". Mong rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, bằng những giải pháp cụ thể trước mắt cũng như lâu dài, tình trạng thiếu giáo viên tại Thanh Hóa sẽ dần được khắc phục. Quan đó, góp phần làm giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên hiện có, tiếp thêm động lực để toàn ngành nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.


Nguồn: Chuyên mục Giáo dục Khuyến học 29/02/2024