Các điểm đến tâm linh thu hút du khách dịp đầu năm mới

20:00 - 26/01/2023

Trong ngày 26/1, tức mùng 5 Tết, các điểm di tích gắn với hoạt động tín ngưỡng tâm linh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, vãn cảnh và cầu mong những điều may mắn, bình an trong năm mới.

Với quan niệm đầu năm "lên rừng xuống biển" để cầu may, Phủ Na ở xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá là một trong những điểm đến được rất nhiều du khách lựa chọn để mở đầu trong hành trình du xuân. Để đón tiếp và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của khách thập phương, chính quyền địa phương và Ban quản lý di tích Phủ Na đã trang hoàng cảnh quan đẹp mắt, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn du khách tham quan và hành lễ. Theo Ban quản lý di tích Phủ Na, từ ngày mùng 1 đến mùng 5 tết, nơi đây đã đón khoảng 14.000 lượt du khách.

Các điểm đến  tâm linh thu hút du khách dịp đầu năm mới - Ảnh 2.

Sau Phủ Na, nhiều du khách lựa chọn xuôi về đền Độc Cước ở thành phố Sầm Sơn để kết thúc hành trình du xuân "lên rừng xuống biển" của mình. Dịch Covid – 19 được kiểm soát, cộng với thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu xuân nên lượng du khách đi lễ chùa năm nay tăng rất cao so với 2 năm vừa qua, thậm chí đã tăng nhẹ so với cùng thời điểm lúc chưa có dịch.

Các điểm đến  tâm linh thu hút du khách dịp đầu năm mới - Ảnh 3.

Bà Cao Thị Ngân - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết, để phục vụ người dân đến du xuân, cuối tháng 12/2022, Trung tâm văn hoá đã dọn dẹp toàn bộ khu di tích. Lực lượng của trung tâm phân bố đền Độc Cước 18 người, đền Cô Tiên 6 người, cùng với lực lượng công an đảm bảo an toàn cho du khách. 

Không chỉ có hành trình "lên rừng xuống biển", tại hầu hết các điểm đến tâm linh khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều ghi nhận số lượng du khách tăng cao. Tuy nhiên, do làm tốt công tác chuẩn bị, nên đến nay hoạt động lễ hội đang diễn ra an toàn, văn minh, đúng quy định. Mặc dù vậy, do mùa lễ hội còn kéo dài với rất nhiều hoạt động, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tiếp tục cùng vào cuộc để làm tốt công tác quản lý nhà nước về lễ hội; đồng thời bản thân mỗi người dân đi lễ hội cũng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các quy tắc ứng xử nơi thờ tự, không tiếp tay cho hành vi mê tín, dị đoan; có ý thức giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ cảnh quan môi trường.


Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV