Các huyện miền núi nỗ lực xây dựng Nông thôn mới

Nhờ những cách làm linh hoạt, sáng tạo, chương trình xây dựng Nông thôn mới ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nổi bật. Chương trình Nông thôn mới đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân gắn với giảm nghèo bền vững; làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn miền núi.

Triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Quan Sơn đã ưu tiên lồng ghép  nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Huyện còn cử cán bộ về "cắm bản" để trực tiếp vận động, hướng dẫn cho người dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo... Đồng thời, vận động nhân dân tích cực thực hiện các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như: cải tạo cảnh quan nông thôn, vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà ở dân cư… Đến nay, huyện Quan Sơn đã có 2 xã và 56 bản đạt chuẩn Nông thôn mới; 1 xã hoàn thành 19 tiêu chí đang trình hội đồng tỉnh xét duyệt; 9 bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Các huyện miền núi nỗ lực xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Cách xây dựng Nông thôn mới các huyện miền núi nói chung và huyện quan Sơn nói riêng có nhiều cách theo bản sắc của miền núi: dân biết, dân làm, dân hưởng thụ. Công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể được làm tốt; chủ yếu bà con chung tay đóng góp; tuyên truyền vận động, hỗ trợ kích cầu thêm để bà con xây dựng Nông thôn mới."

 Khác với các huyện đồng bằng, khu vực miền núi có địa bàn dân cư rộng nên phải đầu tư làm đường giao thông nông thôn nhiều, trong khi dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, mức thu nhập của người dân lại thấp… Khi bắt đầu triển khai chương trình, các huyện miền núi mới chỉ đạt bình quân 3,3 tiêu chí 1 xã. Trong quá trình thực hiện, các địa phương luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời kêu gọi, vận động các sở, ngành, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ bà con dân bản xây dựng Nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều địa phương miền núi đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, phát huy các lợi thế để phát triển kinh tế, giảm nghèo… Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các địa phương miền núi đã lựa chọn xây dựng từng thôn, bản Nông thôn mới trước, làm nền tảng để xây dựng xã Nông thôn mới. Tính đến tháng 8/2022,  khu vực miền núi đã có 58 xã và 690 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới; 5 xã đạt Nông thôn mới nâng cao; 46 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

Các huyện miền núi nỗ lực xây dựng Nông thôn mới - Ảnh 3.

Sau hơn 10 năm xây dựng Nông thôn mới, kết quả nổi bật nhất của khu vực miền núi là những thay đổi về tư duy, tập quán của người dân trong lao động sản xuất và thực hiện nếp sống mới; qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với khu vực đồng bằng. Năm 2022, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đang phấn đấu sẽ xây dựng thành công thêm 10 xã và 20 thôn, bản đạt chuẩn Nông thôn mới.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 14/9/2022