Các huyện miền núi Thanh Hoá khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Thanh Hóa xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững là chương trình trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững ở khu vực miền núi. Cùng với các chính sách khuyến khích hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi đã có những giải pháp tích cực để huy dộng mọi nguồn lực thực hiện chương trình này. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần tích cực thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, năm 2010 huyện Quan Hóa mới chỉ đạt bình quân 5 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, với những hướng đi phù hợp, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động nội lực của Nhân dân và lồng ghép thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án để hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã huy động được trên 2 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động trong dân cư và doanh nghiệp là 512 tỷ đồng. 

Từ năm 2010 đến nay, huyện đã cứng hoá được trên 100 km đường xã, đường trục thôn, bản. Các đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 100%; có 88% thôn bản trong huyện đã có đường ô tô tới được trung tâm bản. Huyện đã có 1 xã và 36/107 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bà Vi Thị Vân, xã Thành Sơn, Huyện Quan Hoá chia sẻ: "Người dân chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi tham gia công tác xây dựng nông thôn mới. Riêng phần đường  giao thông chúng tôi tự nguyện đem ngày công ra làm. Còn nhiều khó khăn nhưng đoàn kết và cố gắng sẽ đạt được kết quả".

Các huyện miền núi Thanh Hoá khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, khu vực miền núi Thanh Hóa phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong tổng số 573 xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, có 211 xã ở khu vực miền núi và 102 xã thuộc 7 huyện nghèo 30a. Các xã miền núi đều có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn vốn huy động khó và ít, mặt bằng dân trí cũng như nhận thức của người dân về chương trình nông thôn mới còn hạn chế. Để xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi, Thanh Hoá đã có nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào phương thức "dễ làm trước, khó làm sau".

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, có tới 14/19 tiêu chí liên quan trực tiếp đến thôn, bản. Qua khảo sát thực tế, các công trình đầu tư tại thôn, bản có nhu cầu kinh phí ít hơn so với công trình cấp xã, phù hợp với khả năng huy động sức dân và linh hoạt hơn trong bố trí nguồn lực của địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã, Thanh Hóa đã chủ động xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó, ưu tiên các thôn, bản miền núi, với phương châm "có nhiều thôn, bản nông thôn mới thì sẽ có xã nông thôn mới". Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới gồm 14 tiêu chí, chia thành 2 vùng áp dụng; thẩm quyền quyết định công nhận được giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện. 

Các huyện miền núi Thanh Hoá khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở miền núi, theo đó chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quế, keo lai và chăn nuôi gia súc. Chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan vận động người dân hiến ngày công lao động để làm đường giao thông, tích cực bảo vệ rừng để tăng tỷ lệ che phủ, nâng cao thu nhập từ rừng và nâng mức hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân.

Đến hết năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, trong tổng số 352 xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh thì khu vực miền núi có 58 xã, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 700 thôn bản nông thôn mới. Đặc biệt tại 11 huyện miền núi đã có 72 sản phẩm được tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 - 4 sao. Kết quả nổi bật trong Chương trình xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 8,7%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, một số địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế vùng miền để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp tập trung, giúp bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. 

Các huyện miền núi Thanh Hoá khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Ông Quách Văn Thịnh, Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Với nhiều cách làm sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn về trình độ dân trí, thu nhập, tập quán… chúng tôi đã về đích nông thôn mới và đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Bộ mặt nông thôn thay đổi, con người cũng đổi thay và đời sống ổn định hơn". Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: "Khu vực miền núi Thanh Hoá còn có nhiều những khó khăn, thách thức trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi xác định nhiệm vụ này hết sức quan trọng, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho sở và UBND tỉnh có cơ chế, quan tâm hỗ trợ hơn cho khu vực này".

Các huyện miền núi Thanh Hoá khắc phục khó khăn xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

 

Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá xác định: Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021–2025 là hai chương trình trọng tâm của tỉnh. Vì vậy, trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ Quốc tế để xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi nhanh, bền vững, hiệu quả; tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, cùng cấp ủy chính quyền và Nhân dân sở tại tham gia xây dựng nông thôn mới. 

Tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn và các địa phương tập trung khảo sát, xây dựng đề án đưa cây, con phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa bàn để nâng cao thu nhập khu vực miền núi, lồng ghép chương trình xây dựng nông mới với các chương trình, dự án khác như chương trình 135, 130, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 26.3.2023