Các ổ dịch sốt xuất huyết tại thị xã Nghi Sơn vẫn gia tăng số ca mắc

09:21 - 22/10/2022

Sau hơn 3 tháng triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch sốt xuất huyết, thị xã Nghi Sơn vẫn chưa thể khống chế được dịch bệnh. Cả 3 ổ dịch trên địa bàn thị xã vẫn tiếp tục gia tăng số ca mắc. Đây là năm sốt xuất huyết diễn biến phức tạp nhất tại thị xã Nghi Sơn từ trước đến nay với số ca mắc nhiều nhất, tốc độ lây lan nhanh nhất và lây lan trên diện rộng.

Đến nay, ổ dịch sốt xuất huyết phường Hải Thanh đã ghi nhận 241 ca mắc tại tất cả các khu phố trên địa bàn. Đây là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thị xã Nghi Sơn cũng như tỉnh Thanh Hoá. Trong ngày hôm nay 21/10, phường Hải Thanh tiếp tục huy động lực lượng làm thuỷ vực và phun hoá chất diệt muỗi lần thứ 3 tại 2 khu phố có nhiều bệnh nhân nhất đó là: Thượng Hải và Quang Minh.

Ông Đỗ Xuân Chung - Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Sau khi phun hoá chất lần 1 và lần 2 thì số ca mắc chững lại nhưng 2, 3 ngày gần đây số ca mắc lại tăng trở lại, mỗi ngày ghi nhận 8 – 9 ca mắc. Mặc dù đã tuyên truyền liên tục trên hệ thống truyền thanh hằng ngày nhưng sự chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch vẫn rất hạn chế."

Tính từ đầu năm đến nay, thị xã Nghi Sơn đã ghi nhận 385 ca mắc sốt xuất huyết tại 21/31 xã, phường. Trong đó có 352 ca mắc nội địa. Ngoài ổ dịch sốt xuất huyết phường Hải Thanh, 2 ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Bình Minh và xã đảo Nghi Sơn cũng chưa được khống chế.

Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Thiệp - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cho biết: "Năm nay thời tiết rất bất lợi, mưa nắng đan xen liên tục. Do đó vừa làm thuỷ vực, phun hoá chất xong lại mưa và dẫn đến nước tù đọng liên tục rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Thứ 2 nũa là mầm bệnh xâm nhập từ miền Nam về nhiều. Ngoài ra ,việc đấu thầu hoá chất khó khăn dẫn đến thiếu hoá chất…"

Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại thị xã Nghi Sơn, ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân căn bản nhất vẫn là sự chủ quan của người dân. Bởi dù lực lượng chức năng tích cực làm thuỷ vực, phun hoá chất diệt muỗi mà người dân không tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: ngủ màn, loại bỏ phế thải, lật úp dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào để diệt loăng quăng, bọ gậy thì dịch bệnh rất khó kiểm soát.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 22/10/2022