Các thủ thuật viết tin kinh tế

08:23 - 14/11/2014

Chẳng có gì ngạc nhiên khi giới truyền thông ngày càng quan tâm đến các vấn đề kinh tế và hoạt động kinh doanh. Tin kinh tế không còn bị coi là một chủ đề đặc thù để nhồi vào các trang báo cuối hoặc nhét vào phần sau của một buổi phát sóng.

Nhưng tin kinh tế thường vấp phải hai vấn đề cơ bản:

  1. phức tạp, và
  2. buồn tẻ

Báo chí đăng tải nhiều vấn đề có nghĩa là một người bình thường trên phố ngày càng hiểu rõ các vấn đề kinh tế và hoạt động kinh doanh, nhưng những vấn đề đó lại thường không được thông tin tốt cho lắm. Liệu có bao nhiều người dân hiểu được khi chính phủ của họ giãn nợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế? Liệu có bao nhiều người hiểu sự khác biệt giữa doanh số của một công ty với lợi nhuận của công ty đó?

Thực tế, do không ý thức được rằng việc chính phủ giãn nợ hoặc lợi nhuận của một công ty có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình, nhiều người thấy những vấn đề đó thật buồn tẻ – ít nhất là khi so sánh với những vụ bê bối chính trị. Một lý do là những vấn đề này thường phức tạp và rối rắm.

Vậy mục tiêu của một phóng viên kinh tế là gì? Rõ ràng, mục đích hàng đầu là đưa tin một cách chính xác – sứ mạng đặc biệt quan trọng trong một lĩnh vực mà chỉ cần đặt sai một dấu phảy là có thể làm cho nhiều người phá sản. Nhưng trong khi tin kinh tế phức tạp và buồn tẻ, xét về bản chất, thì có hai mục tiêu quan trọng như nhau cần phải đạt được khi xử lý loại tin này:

  1. dễ hiểu, và
  2. hấp dẫn

Làm thế nào để tin kinh tế dễ hiểu? Một biên tập viên từng nói có ba nguyên tắc mà một phóng viên kinh tế giỏi phải tuân thủ. “Thứ nhất,” bà ta nói, “là giải thích. Thứ hai là giải thích. Và thứ ba... vẫn là giải thích.”
Nhưng trước khi phóng viên giải thích cho người khác thì bản thân họ phải hiểu vấn đề. Và để hiểu, họ thường phải thừa nhận rằng họ không biết. Nhưng điều này không phải dễ.

Các phóng viên là những kẻ đầy kiêu hãnh. Tôi biết rõ điều này vì tôi cũng là một người trong số đó. Chẳng có ai trong chúng ta thích thừa nhận không nắm vững một vấn đề nào đó. Nhưng chúng ta là những người đưa tin chứ không phải là các học giả “biết tuốt”, và chúng ta có trách nhiệm phải truyền đạt tin tức đến với người đọc. Nếu chúng ta không hiểu thì họ cũng không hiểu. Đừng để tính kiêu hãnh lấn át tới mức không dám nói câu: “Xin lỗi, tôi không hiểu. Làm ơn giải thích cho tôi được không?”

Khi dự các hội thảo trong những năm qua, một số phóng viên kinh tế đã phản bác ý kiến của tôi rằng cần làm cho tin kinh tế dễ hiểu đối với những người dân có trình độ học vấn trung bình. Họ lập luận rằng các độc giả của họ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sành sỏi, sẽ cười vào mũi họ nếu họ mất nhiều thời gian và cột báo để giải thích các khái niệm về kinh tế.

Và câu trả lời của tôi là một phóng viên trước hết phải nghĩ đến độc giả. Chẳng ai dám đánh giá thấp trình độ của các độc giả, nhưng nói chung giải thích thêm một chút vẫn tốt hơn. Ngay cả những độc giả có trình độ học vấn cao vẫn cần được nhắc lại về các khái niệm kinh tế. Tờ Wall Street Journal trở thành một trong những nhật báo bán chạy nhất ở Mỹ bằng cách giải thích các tin kinh tế cho những độc giả không phải là các nhà kinh tế và các chuyên gia kinh doanh, mà chẳng hề mất danh tiếng chút nào. Mục tiêu của tờ báo là thu hút những người muốn và cần biết về hoạt động kinh tế và kinh doanh – chứ không loại trừ đối tượng này, như thể kinh doanh là một thứ câu lạc bộ riêng nào đó.

Vậy sau khi đã làm cho các tin kinh tế trở nên dễ hiểu, làm thế nào để chúng hấp dẫn? Câu trả lời ngắn gọn là: Bớt tập trung vào các con số mà hãy tập trung nhiều hơn vào con người. Kinh doanh và kinh tế học cơ bản là nói về con người. Nhưngthay đổi trong nền kinh tế ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của mọi người. Trong kinh doanh có rất nhiều câu chuyện liên quan đến con người, bao gồm cả thành công, thất bại và những cuộc chiến giữa các đối thủ kình địch nhằm loại bỏ nhau. Các phóng viên cũng rất ít viết về những con người bị tác động bởi hoặc đứng sau những con số thống kê này.

Thủ thuật 1:Tránh các biệt ngữ
Thủ thuật 2:Định nghĩa các thuật ngữ kinh tế
Thủ thuật 3:Sử dụng các con số một cách có chọn lọc
Thủ thuật 4:So sánh các con số
Thủ thuật 5:Biến con số thành câu chuyện
Thủ thuật 6:Tìm hiểu các mặt khác của một tin kinh tế
Thủ thuật 7:Nhân cách hóa tin kinh tế
Thủ thuật 8:Làm bật ý nghĩa của tin kinh tế
Thủ thuật 9:Tìm hiểu thêm ngoài thông cáo báo chí
Thủ thuật 10:Nêu ý tưởng bất thường

Paul Hemp < MTC >