Cần có giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết, tạm trung chuyển rác thải sinh hoạt

21:54 - 06/06/2022

(TTV)- Hiện trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có 65 điểm tập kết, tạm trung chuyển rác thải sinh hoạt. Các điểm tập kết này thường tập trung ở các khu vực công cộng, đan xen trong khu vực dân cư, gần nhà dân gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Thực tế tại thành phố Thanh Hóa, do không có điểm tập kết rác thải theo quy hoạch nên các xe rác sau khi thu gom về được để ngay tại vỉa hè, lòng lề đường tại các tuyến phố, gần các khu vực dân cư sinh sống. Hầu hết các điểm tập kết, tạm trung chuyển rác thải sinh hoạt đều trong tình trạng 3 không: Không có hệ thống thu nước rác hay hệ thống xử lý, không tường rào và không phủ bạt hay có mái che.

Trong thời gian chờ xe chuyên dụng đến vận chuyển chờ đi xử lý, mùi hôi thối bốc lên, còn nước bẩn từ các xe rác rỉ ra đường làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, làm mất mỹ quan đô thị.

Bà Mai Thị Nga- Phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa:  "Tôi bán hàng gần đây, hàng ngày phải chịu đượng mùi hôi thối kinh khủng từ các xe rác để gần đây. Còn trời mưa thì nước rác chảy xuống, bẩn lắm. Mong muốn có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hoặc chuyển đi nơi khác "
Bà Mai Thị Nga- Phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa: "Tôi bán hàng gần đây, hàng ngày phải chịu đượng mùi hôi thối kinh khủng từ các xe rác để gần đây. Còn trời mưa thì nước rác chảy xuống, bẩn lắm. Mong muốn có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hoặc chuyển đi nơi khác"

Trung bình mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố Thanh Hóa khoảng 350 tấn. Với lượng rác lớn như vậy cùng với tốc độ phát triển của đô thị hóa, hiện nay nhiều điểm tập kết rác, tạm chung chuyển rác thải tại các phường, xã đã và đang là vấn đề quan tâm. Trong khi đó, hầu hết các phường, xã đều không có quy hoạch quỹ đất dành cho việc bố trí các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt mà chỉ chọn một vài vị trí ở các khu vực công cộng, ngay sát các khu dân cư để làm nơi tập kết rác thải.

Điều này còn gây nên những bất cập đối với công nhân môi trường trong quá trình đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào thu gom, xử lý rác trước khi đưa về bãi tập trung. Thậm chí, một số trường hợp còn xảy ra va chạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa công nhân môi trường và người dân tại nơi tập kết rác thải sinh hoạt.

Chị Lê Thị Huyền- Phó trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CPMT và Công trình Đô thị Thanh Hóa  ( Các phường xã chưa bố trí được điểm tập kết, trung chuyển rác thải, Ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, mong muốn trong quy hoạch, các địa phương dành quỹ đất bố trí điểm thu gom rác. Về phía công ty tăng cường giải pháp xử lý rác thải "
Chị Lê Thị Huyền- Phó trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CPMT và Công trình Đô thị Thanh Hóa: "Các phường xã chưa bố trí được điểm tập kết, trung chuyển rác thải, ý thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, trong quy hoạch, các địa phương phải dành quỹ đất bố trí điểm thu gom rác. Về phía công ty tăng cường giải pháp xử lý rác thải"

Mới đây, tại công văn số 13/2022 UBND tỉnh Thanh Hóa  đã ban hành quy định chi tiết quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các địa phương cần phải có quy hoạch chi tiết, công bố danh mục vị trí các điểm tập kết chung chuyển rác sinh hoạt, tăng cường công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết, chung chuyển rác sinh hoạt gây bức xúc trong nhân dân thành phố thời gian qua.

Theo Xuân Thu- Đức Anh/Hộp thư truyền hình ngày 06/06/2022