Cần đẩy mạnh nuôi tôm theo hướng VietGAP

09:22 - 16/03/2022

(TTV) - Trước những thay đổi về khí hậu, môi trường và đầu tư cở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho nuôi tôm hiện nay thì việc nuôi tôm áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện để phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các địa phương, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP còn rất hạn chế.

Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa có 280 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 5 ha nuôi tôm thẻ chuân trắng ứng dụng công nghệ cao, còn lại là thâm canh cải tiến và quảng canh. Sản lượng thủy sản thu hoạch hàng năm đạt từ 700-800 tấn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên địa bàn xã chưa có bất kỳ hộ dân nào nuôi tôm áp dụng quy trình VietGAP.
 
Ông  Trương Văn Miêu, Giám đốc HTX dịch vụ NTTS xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại trên địa bàn chưa  hộ nào nuôi VietGap, tới đây chúng tôi đang hướng động viên bà con  mỗi năm có 2-3 ha công nghệ cao. Tập thể lo về cấp thoát nước, các hộ sẽ nuôi an toàn sinh học".
Thực hiện quy trình nuôi tôm VietGAP, thông qua việc kiểm soát sử dụng hợp lý thức ăn, chế phẩm sinh học, tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn môi trường… sẽ giúp các hộ nuôi hạn chế tối đa rủi của dịch bệnh. 
Theo Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, mục tiêu đến năm 2025, có 50% diện tích nuôi tôm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 30% diện tích nuôi thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, nhà kính; đến năm 2030, có 70% diện tích nuôi tôm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, 50% diện tích nuôi thâm canh công nghệ cao trong nhà bạt, nhà kính. Tuy nhiên, theo thông kê của Chi cục thủy sản Thanh Hóa, hiện nay, trong số 4100 ha nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, chỉ có khoảng 20 ha tôm nuôi áp dụng và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phần lớn cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi tôm tập trung chưa đáp ứng được những điều kiện đặt ra cho việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn nhằm có được những sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn, hầu hết các hộ nuôi không theo chuỗi liên kết, tiêu thụ thị trường tự do, không đòi hỏi cao về cao quy chuẩn, điều kiện an toàn,…Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc nuôi theo quy trình VietGAP còn rất hạn chế.
 
 
Ông Lê Minh Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết thêm: "Cái đầu tiên là chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật cho người dân. Thứ hai là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu từ đầu vào đến khâu quản lý chăm sóc, xử lý chất thải ra môi trường. Song song với đó, chúng tôi phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi liên kết bền vững".
Trong điều kiện hạ tầng nhiều vùng nuôi trồng thủy sản còn chưa được đầu tư đồng bộ, để nhân rộng nuôi tôm theo hướng VietGAP, trước mắt, các địa phương áp dụng cho các doanh nghiệp, các cơ sở nuôi có quy mô lớn theo hình thức thâm canh và bán thâm canh, cùng với đó, các hộ dân và cơ sở nuôi cần liên kết với nhau để tổ chức sản xuất và được cấp giấy chứng nhận cho từng vùng nuôi. Được biết, trong năm 2022 này, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa sẽ phối hợp với huyện Hoằng Hóa xây dựng các vùng nuôi tôm áp dụng quy trình Viet GAP tại 3 xã Hoằng Phong, Hoằng Châu và Hoằng Lưu. Trên cơ sở đó, nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.
Thanh Tâm-Xuân Sơn-Văn Tráng
Bản tin THNM, 16/3