Cần nhân rộng mô hình xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản

22:39 - 14/06/2019

Gần 1 tháng sau khi Hà Nội thí điểm việc xử lý ô nhiễm tại một đoạn của sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, bước đầu đã tiến triển tốt, mùi hôi của nước sông đã giảm đáng kể. Người dân khu vực mong muốn công nghệ này được áp dụng rộng rãi trên toàn con sông này.

Trước đó, sáng 16/5, Hà Nội đã chính thức thử nghiệm việc làm sạch một đoạn sông Tô Lịch (khu vực đầu đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy - Hà Nội) và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản.

Sáng nay (14/6), sau khi gần một tháng thí điểm công nghệ trên, phóng viên Dân trí đã có mặt tại đoạn sông Tô Lịch nói trên để ghi nhận thực tế tác dụng của công nghệ làm sạch mới này.

Bước đầu, về mặt cảm quan mùi hôi nước sông đã giảm đáng kể, nước trong hơn nhưng vẫn còn màu đen. Nhiều ý kiến cho rằng, nước còn màu đen là do lượng bùn dưới lòng sông vẫn đang được xử lý dần dần.

Nước sông Tô Lịch đã giảm mùi đáng kể.
Nước sông Tô Lịch đã giảm mùi đáng kể.

Anh Nguyễn Văn Chung (54 tuổi), là bảo vệ tại khu vực thí điểm của đoạn sông trên chia sẻ: "Tôi thấy hiện nay sông Tô Lịch tại khu vực thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản đã giảm mùi hôi đáng kể. Trước đây, khi chưa xử lý bằng công nghệ này thì những hôm oi nóng, hay gió to như hôm nay thì mùi hôi nồng nặc bốc lên khó chịu lắm. Chúng tôi mong Hà Nội nhân rộng mô hình xử lý làm sạch này ở khắp con sông Tô Lịch để môi trường được cải thiện"

Giống như anh Chung, bà Hường (ở số nhà 70, phố Nguyễn Đình Hoàn, Cầu Giấy - Hà Nội) và ông Nguyễn Văn Bân (ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy - Hà Nội) cùng đưa ra nhận xét chung là, sau gần 1 tháng xử lý, công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã làm cho nước sông Tô Lịch cải thiện đáng kể, không còn hiện tượng mùi hôi nồng nặc mỗi khi  thời tiết "trở trời". Bà Hường, ông Bân cũng mong muốn, Hà Nội nên nghiên cứu để nhân rộng mô hình này.

Trước đó, ngày 20/5, Phòng phân tích chất lượng môi trường của Viện Công nghệ môi trường đã tiến hành lấy mẫu nước sông Tô Lịch (Hà Nội) để kiểm tra chất lượng nguồn nước sau khi áp dụng thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. 

Anh Lê Minh Đức (cán bộ Viện Công nghệ môi trường) cho biết: “Chúng tôi lấy mẫu giám định chất lượng nước trên sông Tô Lịch, hồ Tây để đối chiếu với mẫu nước trước khi lắp đặt công nghệ Nano - Bioreactor. Kết quả test nhanh cho thấy chỉ số kiềm và oxy hòa tan ở khu vực thử nghiệm có chuyển biến tích cực, theo cảm quan nước sông đã bớt mùi".

Theo Nguyễn Dương/Dân trí