Cần sớm di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét đến nơi an toàn

21:15 - 27/06/2023

Những năm qua, khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Những hộ dân này đang gặp phải một số vướng mắc như chưa được bố trí đất tái định cư, chưa có kinh phí để di dời đến nơi ở mới. Mong muốn của người dân là sớm được chuyển đến nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống.

Ở khu vực Pom Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện biên giới Quan Sơn nhiều năm qua, các hộ dân sống dưới chân một quả đồi lớn. Hai năm trở lại đây, một vết nứt trên quả đồi đã xuất hiện và ngày càng lớn, đất đá sạt trượt xuống chân núi khiến 37 hộ dân sống trong cảnh thấp thỏm lo âu khi mùa mưa bão sắp cận kề. Do địa phương chưa bố trí được quỹ đất tái định cư nên hiện nay nhiều hộ gia đình trong khu vực vẫn đang phải sống cảnh tạm bợ. Những ngày mưa bão phải sơ tán đi nơi khác để đảm bảo an toàn.

Cần sớm di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quyét đến nơi an toàn - Ảnh 2.

Chị Hà Thị Nhơn, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết: "Mưa là đất sạt vào tận nhà sàn, đã múc 4-5 lần nó vẫn tiếp tục sạt. Nhà tôi xây cái bờ kè nhưng kè xong nó nứt đôi. Mỗi khi mưa ở không yên tâm, chúng tôi rất mong Nhà nước cho chuyển ra chỗ mới".

Tháng 7/2021, UBND huyện Quan Sơn cử cán bộ kiểm tra, phát hiện trên đồi có vết nứt dọc, chiều dài 300 mét, rộng 3-7 cm sâu vào lòng đất. Ngoài ra, còn có vết sụt lún ngang có chiều cao 1-3 mét, dài 200 mét, làm bề mặt đất bị vỡ nứt, rất dễ sạt lở khi mưa kéo dài. 

Cần sớm di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quyét đến nơi an toàn - Ảnh 3.

Hiện UBND huyện Quan Sơn đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở đất để người dân phòng tránh, theo dõi các vết nứt để kịp thời ứng phó khi có mưa lớn xảy ra và xây dựng phương án di dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh để có các biện pháp khắc phục.

Cần sớm di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quyét đến nơi an toàn - Ảnh 4.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 400 hộ ở nơi nguy cơ sạt lở đất và hơn 400 hộ ở khu vực có nguy cơ lũ ống lũ quét. Huyện đã quy hoạch bổ sung quy hoạch đất đưa dân vào khu tái định cư. Huyện Quan Sơn cũng đã phối hợp với sở, ban ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư để người dân sớm có nơi ở mới an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cũng đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, khi có cảnh báo thì sơ tán người dân giảm thiểu thiệt hại".

Những năm qua, ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa liên tục chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề do thiên tai. Đặc biệt, các trận mưa lũ năm 2018, 2019 đã gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, gây thiệt hại nặng về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn, đời sống, sản xuất của Nhân dân.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2021-2025", cùng với đó, tỉnh còn quan tâm, bố trí nguồn lực xây dựng các khu tái định cư theo hình thức đầu tư khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn hơn 8.500 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, trong đó hơn 4.300 hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

Bà Hà Thị Nga, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Mùa mưa bão đã đến, mặc dù chính quyền các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai sớm các phương án phòng chống thiên tai nhưng về lâu dài vẫn cần tiếp tục thực hiện phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV