Cần thận trọng với chủng virus tay chân miệng EV71

09:09 - 02/07/2023

Đến thời điểm này, toàn khu vực phía Nam ghi nhận hơn 9.000 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, hơn 50% mẫu bệnh phẩm tay chân miệng là chủng virus EV71 có độc lực cao; 4 ca tử vong do mắc tay chân miệng độ 4 và dương tính với EV71. Cơ quan y tế cảnh báo người dân cần lưu ý các triệu chứng đề phòng bệnh chuyển nặng.

Virus EV71 chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi hoặc họng của người bệnh, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân. Bệnh dễ lây lan trong giai đoạn cấp tính. Thời gian ủ bệnh thường từ 3-10 ngày. Hiện, chúng ta chưa có miễn dịch đặc hiệu với virus gây bệnh tay chân miệng. Bệnh phần lớn được theo dõi tại nhà, cách ly, không tham gia các hoạt động nhóm.

Cẩn thận trọng với chủng virus tay chân miệng EV71 - Ảnh 2.

Các bác sĩ lưu ý bố mẹ theo dõi sát các triệu chứng sau của con: Sốt cao dai dẳng, nôn nhiều lần, buồn ngủ nhiều hoặc ngủ li bì, co giật hoặc yếu chân tay đột ngột.

 Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:

 Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt

 Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ,….

 Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút)

  Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân

 Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….

 Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Một lưu ý nữa là không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus EV71 đều có nguy cơ chuyển nặng, các gia đình nên bình tĩnh, theo dõi sát các triệu chứng. Việc yêu cầu nhập viện điều trị tay chân miệng khi chưa có chỉ định sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Nguồn: THNM 02/07/2023