Cẩn trọng với thông tin về thiết bị tiết kiệm điện trên mạng xã hội

08:14 - 03/08/2020

(TTV) - Thời điểm nắng nóng kéo dài cùng hàng loạt thông tin về tiền điện tăng cao đột biến cũng là lúc trên mạng internet xuất hiện tràn lan các lời chào bán thiết bị tiết kiệm điện cùng lời cam kết giảm từ 10 đến 30%, thậm chí là 50% lượng điện tiêu thụ. Thế nhưng, theo Bộ Công Thương, người dân cần hết sức cảnh giác với những lời chào mời này bởi thực tế, tác dụng của thiết bị không như những gì được quảng cáo.

 

Chỉ cần gõ từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện” lên trang tìm kiếm google, hàng trăm kết quả sẽ được hiển thị với hình ảnh một thiết bị nhỏ, gọn, dễ sử dụng, với mức giá phổ biến chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng một cái. Miêu tả về sản phẩm, người bán hàng cho biết “Thiết bị sử dụng tụ bù để tối ưu hóa công suất cho các sản phẩm điện gia dụng như máy lạnh, máy giặt, tủ…, từ đó có thể tiết kiệm được 10 – 30% lượng điện tiêu thụ”. Quả thật là một con số tiết kiệm đáng mơ ước trong bối cảnh tiền điện cứ tăng đều hàng tháng theo sức nóng của mùa hè. Chính vì vậy, rất nhiều người đã tìm mua sản phẩm này.

Tuy nhiên, theo ngành điện, việc giảm lượng điện từ 10 – 30% chỉ bằng một thiết bị ngoại lai cấu tạo đơn giản, cắm trực tiếp vào ổ cắm điện cùng các thiết bị khác là chuyện phi thực tế. Gần đây nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đã có thông cáo báo chí, bác bỏ toàn bộ quảng cáo trên mạng xã hội về một sản phẩm có tên Tụ bù tiết kiệm điện ICEVN, sử dụng logo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để rao bán thiết bị, giả mạo nhãn hiệu và sử dụng một số thuật ngữ, từ ngữ có thể gây hiểu nhầm rằng đây là sản phẩm của Tập đoàn.

Ông Lê Anh Vũ, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi khẳng định không thể giảm được 10 – 30% tiền điện qua thiết bị rao bán trên mạng. Hiện nay chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào của Việt Nam công nhận chất lượng và xuất xứ của những thiết bị này. Nếu can thiệp, thì chỉ có cách can thiệp vào công tơ mà hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Lê Anh Vũ, Phó phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi khẳng định không thể giảm được 10 – 30% tiền điện qua thiết bị rao bán trên mạng. Hiện nay chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào của Việt Nam công nhận chất lượng và xuất xứ của những thiết bị này. Nếu can thiệp, thì chỉ có cách can thiệp vào công tơ mà hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, để tiết kiệm điện, bên cạnh việc sử dụng các thiết bị có độ hao tổn điện năng thấp, nhiều gia đình đã lựa chọn giải pháp lắp đặt điện mặt trời áp mái, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo có sẵn từ thiên nhiên. Theo đó, lượng điện tiết kiệm được có thể lên đến 50%. Tuy nhiên, để hệ thống hoạt động hiệu quả, chủ nhà cần có đơn vị tư vấn chuyên ngành, có điều kiện địa hình phù hợp để lắp đặt những tấm pin mặt trời cũng như đội ngũ kỹ thuật viên trực tiếp đấu nối đường dây, với chi phí đầu tư ban đầu không hề rẻ.

Chị Doãn Thu Hà, Phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Gia đình tôi lắp điện mặt trời áp mái theo tư vấn thì chỉ lắp 5kw thôi. Cũng tiết kiệm được nhiều so với trước.

Chị Doãn Thu Hà, Phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Gia đình tôi lắp điện mặt trời áp mái theo tư vấn thì chỉ lắp 5kw thôi. Cũng tiết kiệm được nhiều so với trước.

 

Đại diện điện lực Thanh Hóa cũng cho biết, ngoài việc không hề tiết kiệm được tiền điện như quảng cáo, các thiết bị tiết kiệm điện không rõ nguồn gốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chập điện, cháy nổ, ảnh hưởng đến các thiết bị điện khác do không đảm bảo các đặc tính an toàn kỹ thuật. Do vậy, ngành điện khuyến cáo người dân tỉnh táo trước thông tin quảng cáo, không mua bán, sử dụng loại thiết bị này, tránh “tiền mất mà tật vẫn mang”./.

Theo Bản tin Thanh Hóa ngày mới 3/8