Cần xử lý người đi bộ không chấp hành quy định khi tham gia giao thông
Tình trạng người đi bộ vi phạm luật khi tham gia giao thông vẫn còn khá phổ biến. Đáng nói, đây còn là nguyên nhân gây ra những tai nạn nghiêm trọng. Thế nhưng hiện nay việc xử phạt người đi bộ vi phạm vẫn chưa được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên.
Người đi bộ thản nhiên đi dưới lòng đường cho dù có vỉa hè, đó là điều không khó bắt gặp tại bất cứ đâu, nhất là ở khu vực nội thành. Hành vi sang đường tuỳ tiện. Thậm chí có người leo qua dải phân cách để sang đường.

Việc người đi bộ di chuyển không đúng quy định hay sang đường đột ngột ở những vị trí không có vạch kẻ đã gây không ít nguy hiểm cho cả 2 phía, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hoá, chỉ trong 1 tháng gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, khiến 4 người chết và 5 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu đều do người đi bộ tham gia giao thông không đúng quy định, sang đường không đúng vụ trí hoặc không có tín hiệu cảnh báo, hoặc đi bộ dưới lòng đường.

Theo quy định, người đi bộ phải đi trên vỉa hè và chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, quá trình sang đường phải vẫy tay ra hiệu cho các phương tiện khác. Ngoài ra, người đi bộ không vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. Mức phạt dành cho người đi bộ vi phạm cũng được quy định rõ tại Nghị định 168/2024 với mức từ 150.000-600.000 đồng.

Vấn đề hiện nay là bên cạnh công tác công tác tuyên tuyền, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt hành chính để người dân nâng cao ý thức tự giác. Thậm chí, khai thác hình ảnh từ hệ thống camera giám sát an ninh trật tự để tiến hành xử phạt nguội. Như vậy mới chấn chỉnh được tâm lý chủ quan và thói quen tham gia giao thông tuỳ tiện của người đi bộ.