Cảnh giác với những tin giả trên mạng xã hội về bệnh viêm phổi Vũ Hán

19:49 - 28/01/2020

(TTV) - Những ngày này, tin tức về virus corona– Nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi Vũ Hán đang trở thành tâm điểm trên khắp các trang báo và mạng xã hội. Bên cạnh những thông tin xác thực, rất nhiều tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi lạ này đang lan truyền với tốc độ chóng mặt và gây nhiều hoang mang trong dư luận. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác khi tiếp nhận thông tin để có cách ứng xử đúng đắn và kịp thời.

 

Trong những ngày mà sự quan tâm của người dân Việt Nam đang dồn hết vào những nơi xuất hiện của virus corona để phòng tránh, thì liên tiếp nhiều tài khoản facebook đã đăng tải thông tin các tỉnh, thành phố như: Nha Trang, Vũng Tàu, Tây Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Thanh Hóa… đã có người nhiễm virus corona. Ngay lập tức, đại diện truyền thông các tỉnh, thành phố này đã bác bỏ thông tin sai sự thật trên. Thậm chí, Công an tỉnh Khánh Hòa hay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triệu tập và làm việc với một số chủ tài khoản facebook tung tin thất thiệt về virus corona.

Tại Thanh Hóa, ngay khi có thông tin bệnh viện đa khoa tỉnh đang cách ly, theo dõi một nữ bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực, ho sau khi từ Vũ Hán (Trung Quốc) về quê ăn tết; trên mạng xã hội lập tức đã có rất nhiều người đặt ra nghi vấn về việc virus corona đã xuất hiện tại Thanh Hóa. Tiến sĩ Y học Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân đã giảm so với thời điểm nhập viện, kết quả xét nghiệm là âm tính, kết luận về bệnh viêm phổi do virut corona cần 3-4 ngày nữa mới cho kết quả".

Có thể nói, những tin đồn thất thiệt liên quan đến virus corona đang làm nhiều người dân hoang mang. Những thông tin giả này đánh trúng vào tâm lý sợ hãi của người đọc, người nghe nên thường được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Với tin tức về các dịch bệnh trên toàn cầu, kênh thông tin chính xác, tin cậy nhất để người dân có cơ sở ứng phó với bệnh dịch là trang web của tổ chức y tế thế giới WHO và phát ngôn viên của các cơ quan y tế trung ương đến địa phương.

Theo Điều 8, Luật An ninh mạng: nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Trong khi chính quyền các cấp và lực lượng y tế trên toàn cầu và Việt Nam đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh thì những thông tin sai lệch, tin giả về virus corona không chỉ gây hoang mang cho cộng đồng mà còn gieo nỗi sợ hãi, tạo kích động trong cộng đồng mạng. Do đó, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bản tin Thời sự tối TTV