Câu chuyện “nhất thể hóa” ở Quan Sơn

23:20 - 02/09/2022

Mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả của việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản ở Quan Sơn đã từng bước được khẳng định. Sau khi hợp nhất hai chức danh, các đảng viên được bầu đều đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu; chỉ đạo kịp thời, hiệu quả hầu hết các vấn đề quan trọng tại địa phương.

Anh Lữ Văn Nhưng là đảng viên trẻ chi bộ bản Ngàm, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn. Được sự động viên của Chi bộ, đặc biệt là Bí thư kiêm Trưởng bản Lữ Văn Tưởng, khoảng 5 năm nay, anh Nhưng bắt đầu thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt trên cơ sở tận dụng nguồn nước có sẵn từ các suối, khe quanh bản và nguồn thức ăn tự nhiên. Mỗi năm, với diện tích mặt nước 800 m2, anh thu hoạch gần 2 tấn cá, mức giá trung bình 120.000 đồng/kg, thu được trên 200 triệu đồng, trừ chi phí còn gần 100 triệu đồng. So với địa bàn vùng cao như huyện Quan Sơn, đây là mức thu nhập tương đối khá.

Câu chuyện “nhất thể hóa” ở Quan Sơn - Ảnh 1.

Chi bộ bản Ngàm có 158 đảng viển, 157 hộ với 741 khẩu. Năm 2017, chi bộ tiến hành "nhất thể hóa" chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản. Anh Lữ Văn Tưởng được các đảng viên và nhân dân tín nhiệm bầu đảm nhiệm cùng lúc hai cương vị này. Người dân bản Ngàm phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp. Trước đây, đời sống của bà con khá vất vả, tỉ lệ hộ nghèo cao. Bản thân anh Lữ Văn Tưởng không chỉ gương mẫu trong mọi hoạt động, phong trào chung của bản, mà còn nỗ lực làm kinh tế, là tấm gương cho bà con noi theo. Đến nay, tính theo chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của bản Ngàm chỉ còn 28 hộ.

Xã Trung Thượng có 6/6 chi bộ đã hoàn thành nhất thể hóa chức danh bí thưc chi bộ kiêm trưởng bản. Việc nhất thể hóa đã giúp kinh tế, văn hóa, xã hội của xã có nhiều khởi sắc. Nhiều bí thư chi bộ kiêm trưởng bản tại Quan Sơn đã trở thành tấm gương đi đầu trong phát triển các mô hình kinh tế. Ông Hà Văn Măng, Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Phe, xã Tam Thanh là người tiên phong phát triển mô hình ươm vầu. Hiện bản Phe có 3 vườn ươm vầu, với diện tích 600 -700 m2. Các vườn có thể ươm khoảng 20 vạn cây vầu giống một lứa; mỗi năm, ươm 2-3 lứa mới đủ cung cấp nhu cầu thị trường.

Câu chuyện “nhất thể hóa” ở Quan Sơn - Ảnh 2.

Mô hình "nhất thể hóa" đã giúp các xã Tam Lư, Tam Thanh phát triển cây vầu hiệu quả. Các Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản đã nỗ lực động viên, thúc đẩy người dân tích cực nhân rộng diện tích, mở xưởng chế biến cây được gọi là "vàng xanh" này.

Được sự động viên của chi bộ bản Hậu, xã Tam Lư, gia đình anh Lữ Văn Thái mở xưởng chế biến vầu, chuyên sản xuất que xiên dùng trong chế biến thực phẩm, và các loại chân hương. Mỗi tháng, cơ sở của anh Thái xuất bán 20 - 30 tấn sản phẩm. Thời gian cao điểm nhất, cơ sở của anh tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/ người/ tháng.

Từ đầu năm 2017, huyện Quan Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương "nhất thể hóa" chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 5 năm, 94/94 bản, khu phố ở Quan Sơn đều hoàn thành nhất thể hóa, đạt 100%. 94 đồng chí được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản trong nhiều độ tuổi khác nhau, từ 30 đến trên 55; trong đó 64 đồng chí có trình độ văn hóa 12/12; 16 đồng chí có trình độ trung cấp và 7 đồng chí có bằng đại học. 

Câu chuyện “nhất thể hóa” ở Quan Sơn - Ảnh 3.

Mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả của việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản đã từng bước được khẳng định. Sau khi hợp nhất hai chức danh, các đảng viên được bầu đều đã phát huy được tính tiên phong, gương mẫu; chỉ đạo kịp thời, hiệu quả hầu hết các vấn đề quan trọng tại địa phương. Ngoài việc tinh giản bộ máy quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính, "nhất thể hóa" cũng là điều kiện để tăng chế độ cho cán bộ bản.

Đến thời điểm này, 100% chi bộ bản, khu phố trên địa bàn huyện Quan Sơn đã và đang hoạt động thuận lợi hơn, do việc tiếp nhận, cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy được đồng bộ, kịp thời và nhất quán. Hiệu quả của "Nhất thể hóa" thấy rõ qua việc hình thành nhiều mô hình kinh tế ở các thôn bản, như: Phát triển chăn nuôi bò bản địa, nuôi cá tầm; nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Trung Xuân; trồng rau sạch; mô hình lúa Nhật J02… Công tác xây dựng bản văn hóa, bản nông thôn mới cũng được thực hiện đồng bộ, đời sống của người dân trong huyện từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng; các chế độ, chính sách và những ý kiến đề xuất, kiến nghị của nhân dân trong bản được giải quyết kịp thời….

Câu chuyện “nhất thể hóa” ở Quan Sơn - Ảnh 4.

Quan Sơn là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành việc nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản. Thực tiễn tại địa phương vùng cao này cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, tạo sự thống nhất từ việc ban hành nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo tới thực hiện. Nhưng bí thư chi bộ kiêm trưởng bản đang góp phần phát huy tính gương mẫu của người cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đồng thời tập hợp được sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.


Nguồn: Chuyên mục Xây dựng Đảng ngày 2.9