Chậm giải ngân chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

21:06 - 07/12/2023

Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí và vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, đến thời điểm này, tiến độ giải ngân các dự án và tiểu dự án thuộc chương trình này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất chậm, mới chỉ đạt trên 32%.

Đến đầu tháng 12/2023, huyện Đông Sơn mới chỉ thực hiện được 3 trong tổng số 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt khoảng 1% nguồn vốn được phân bổ.

Chậm giải ngân chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025- Ảnh 1.

Ông Phạm Đình Điện, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội, UBND huyện Đông Sơn

Ông Phạm Đình Điện, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, các văn bản hướng dẫn của Trung ương quá nhiều và đến chậm, nhiều quy định không thống nhất dẫn đến chậm triển khai. Khi triển khai thì trên địa bàn hiện giờ hộ nghèo hầu hết là người đơn thân, già yếu, ốm đau đột xuất nên không đúng đối tượng để áp dụng các chương trình.

Đặc thù về đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện cũng là lý do Đông Sơn không chỉ đơn thuần là chậm thực hiện, mà là không thể thực hiện được các dự án giảm nghèo còn lại, như: dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất và cải thiện dinh dưỡng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Bác sĩ CKI, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Với những bất cập tương tự, hầu hết các địa phương khu vực đồng bằng, trung du tỉnh Thanh Hóa đều trong tình trạng như huyện Đông Sơn khi tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo là rất thấp, chưa đạt 10% kế hoạch.

Chậm giải ngân chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025- Ảnh 2.

Còn ở khu vực miền núi, nơi chiếm đến 93% tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, với khoảng 46.000 hộ thì tình hình thực hiện chương trình cũng không đạt yêu cầu. Theo kết quả kiểm tra giám sát của Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách phân bổ cho 11 huyện miền núi thực hiện chương trình giảm nghèo là hơn 844 tỷ đồng, nhưng hết tháng 10/2023, mới giải ngân lũy kế được hơn 397 tỷ đồng, đạt khoảng 47%. Còn giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thì mới chỉ đạt khoảng 34%.

Chậm giải ngân chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025- Ảnh 3.

Ông Cầm Bá Chái, Phó trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Ông Cầm Bá Chái, Phó trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan, có một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Đó là công tác quản lý đầu tư của một số địa phương còn hạn chế, lập danh mục đầu tư chưa sát thực tế, Ban Quản lý dự án năng lực còn yếu kém, dẫn đến khi thực hiện thủ tục dự án thì phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng cũng là một điểm nghẽn. Nhiều dự án đã có vốn, nhưng không giải phóng được mặt bằng dẫn đến không thể triển khai thi công được.

Tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 chậm không chỉ làm gia tăng áp lực thực thi nhiệm vụ trong thời gian từ nay đến năm 2025, mà quan trọng hơn hết, là làm chậm triển khai nguồn lực để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. 

Chậm giải ngân chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025- Ảnh 4.

Do đó, cần phải có những giải pháp căn cơ, sát thực tế để khắc phục tình trạng này. Đây cũng là nội dung quan trọng sẽ được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa 18 thực hiện chất vấn tại kỳ họp thứ 17, dự kiến được tổ chức từ ngày 12 - 14/12 sắp tới.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV